UBND Huyện Yên Châu

Yên châu

Dân tộc Thái là cộng đồng đông nhất ở Yên Châu, chiếm 53,25%% dân số, chủ yếu là nhóm Tay Đăm (Thái đen) và một số Tay Khao (Thái trắng – từ nơi khác chuyển đến) (Bài viết này đề cập đến người Thái đen nói chung và người Thái đen tại Yên Châu nói riêng).

Tên tự gọi: Tay hoặc Thay

Tên gọi khác: Tày, Tày Đăm (Thái đen). Nhóm địa phương: Ngành đen (Tay Ðăm).

Nhóm ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka Ðai).

Dân số: Chiếm 53,25% dân số toàn huyện.

Cư trú: Sống tập trung tại tất cả các xã, thị trấn địa bàn toàn huyện.

Lịch sử: Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của người Thái có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.

Đặc điểm kinh tế: Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng con, bắc máng lấy nước làm ruộng. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Người Thái cũng làm nương để trồng lúa, hoa màu và nhiều thứ cây khác. Từng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải. Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm với những hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, bền đẹp.

Hôn nhân gia đình: Trước kia người Thái theo chế độ hôn nhân mua bán và ở rể nên việc lấy vợ và lấy chồng phải qua nhiều bước, trong đó có 2 bước cơ bản:

– Cưới lên (đong khửn) – đưa rể đến cư trú nhà vợ: Là bước thử thách phẩm giá, lao động của chàng rể. Người Thái đen có tục búi tóc ngược lên đỉnh đầu cho người vợ ngay sau lễ cưới này. Tục ở rể từ 8 đến 12 năm.

– Cưới xuống (đong lông) đưa gia đình trở về với họ cha.

damcuoichuan

Một cảnh trong đám cưới người Thái

Tục lệ ma chay: Đồng bào quan niệm, chết là tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia. Vì vậy, đám ma là lễ tiễn người chết về “Mường trời”. Lễ tang có 2 bước cơ bản: Pông: Phúng viếng tiễn đưa hồn người chết lên cõi hư vô, hầu hết người chết được hỏa táng trước khi chôn. Xống: Gọi ma trở về ngụ ở gian thờ cúng tổ tiên ở trong nhà.

Văn hóa: Thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao,… là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của đồng bào Thái là: “Xống chụ xôn xao”, “Khun Lú, Nàng Ủa”. Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ (văn học, luật lệ, dân ca) được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Đồng bào rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm khèn và múa. Nhiều điệu múa như múa xòe, múa sạp,…Hạn khuống, ném còn là hai đặc trưng văn hóa nổi tiếng của người Thái.

Nhà cửa: Nhà của người Thái Đen nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều hình thức trang trí khác nhau. Bộ khung nhà Thái có hai kiểu cơ bản là khứ tháng và Khay điêng. Vì khay điêng là vì khứ kháng được mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa. Kiểu vì này dần gần lại với kiểu vì nhà người Tày – Nùng. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của nhà Thái Đen khá độc đáo: các gian đều có tên riêng. Trên mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp và còn là nơi để tiếp khách nam.

nhasan

Ngôi nhà sàn Thái

Trang phục:

Trang phục nam: Thường nhật, trong sinh hoạt và lao động, nam giới người Thái mặc áo cánh ngắn, xẻ ngực, quần xẻ đũng. Áo là loại cổ tròn, không cầu vai, hai túi dưới và trước cài cúc vải hoặc xương. Đặc điểm của áo cánh nam giới người Thái là ở màu sắc đa dạng của loại vải cổ truyền của cộng đồng sáng tạo nên: không chỉ có màu chàm, trắng mà còn có màu cà phê sữa, hay dật các vuông bằng các sợi màu đỏ, xanh, cà phê…Nam người Thái mặc quần cắt để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người Thái Trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Màu quần áo phổ biến là đen, có thể màu gạch non, hoa kẻ sọc hoặc trắng. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong có một lần áo trắng, tương tự để mặc lót. Bình thường cuốn khăn đen theo kiểu mỏ rìu. Khi vào lễ cuốn dải khăn dài một sải tay. Mấy chục năm gần đây, nam giới người Thái mặc âu phục khá phổ biến.

namthaiden

Trang phục truyền thống của nam dân tộc Thái đen

Trang phục nữ: Cô gái Thái đẹp nhờ mặc áo cánh ngắn, đủ màu sắc, đính khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu… chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với chiếc váy vải màu thâm, hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông. Ngày lễ có thể vận thêm áo dài đen, xẻ nách, hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng, đính vải trang trí ở nách, và đối vai ở phía trước. Nữ Thái Ðen đội khăn piêu nổi tiếng trong các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Thường nhật phụ nữ Thái đen mặc xửa cóm màu tối (chàm hoặc đen), cổ áo khác cổ áo Thái trắng là loại cổ tròn, đứng. Đầu đội khăn piêu thêu hoa văn nhiều mô-típ. Trong lễ, tết áo dài Thái đen đa dạng với các loại xẻ nách, chui đầu, trang trí phong phú đa dạng về màu.

nuchiengkhoi

Trang phục của phụ nữ Thái Yên Châu

khanpieudep

Cô gái Thái đội khăn piêu bên sắc hoa đào ngày xuân

Ăn: Ngày nay, gạo tẻ đã trở thành lương thực chính, gạo nếp vẫn được coi là lương ăn truyền thống. Gạo nếp ngâm, bỏ vào chõ, đặt lên bếp, đồ thành xôi. Trên mâm ăn không thể thiếu được món ớt giã hoà muối, tỏi, có rau thơm, mùi, lá hành,… có thể thêm gan gà luộc chín, ruột cá, cá nướng,… gọi chung là chéo. Hễ có thịt các con vật ăn cỏ thuộc loài nhai lại thì buộc phải có nước nhúng lấy từ lòng non (nặm pịa). Thịt cá ăn tươi thì làm món nộm, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, thính làm mắm; ăn chín, thích hợp nhất phải kể đến các món chế biến từ cách nướng, đồ, sấy, sau đó mới đến canh, xào, rang, luộc,… Họ ưa thức ăn có các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi, ít dùng các món ngọt, lợ, đậm, nồng,… hay uống rượu cần, cất rượu. Người Thái hút thuốc lào bằng điếu ống tre, nứa và chạm bằng mảnh đóm tre ngâm, khô nỏ.

Phương tiện vận chuyển: Gánh là phổ biến, ngoài ra gùi theo kiểu chằng dây đeo vắt qua trán.

Quan hệ xã hội: Cơ cấu xã hội cổ truyền được gọi là bản mường hay theo chế độ phìa tạo Tông tộc Thái gọi là Ðằm. Mỗi người có 3 quan hệ dòng họ trọng yếu: Ải Noong (tất cả các thành viên nam sinh ra từ một ông tổ bốn đời). Lung Ta (tất cả các thành viên nam thuộc họ vợ của các thế hệ). Nhinh Xao (tất cả các thành viên nam thuộc họ người đến làm rể).

Sinh đẻ: Phụ nữ đẻ theo tư thế ngồi, nhau bỏ vào ống tre đem treo trên cành cây ở rừng. Sản phụ được sưởi lửa, ăn cơm lam và kiêng khem một tháng; ống lam bó đem treo trên cành cây. Có nghi thức dạy trẻ lao động theo giới và mời Lung Ta đến đặt tên chi cháu. Ngày nay, nhờ sự nhận thức đã được nâng cao nên người Thái đã sinh đẻ tại các Trung tâm y tế hoặc bệnh viện.

Lễ tết: Cúng tổ tiên ở người Thái Ðen vào tháng 7, 8 âm lịch. Bản Mường có cúng thần đất, núi, nước và linh hồn người làm trụ cột.

Lịch: Theo hệ can chi như âm lịch. Lịch của người Thái Ðen chênh với âm lịch 6 tháng.

Học: Người Thái có mẫu tự theo hệ Sanscrit. Họ học theo lệ truyền khẩu. Người Thái có nhiều tác phẩm cổ viết về lịch sử, phong tục, luật tục và văn học.

Văn nghệ: Người Thái có các điệu xoè, các loại sáo lam và tiêu, có hát thơ, đối đáp giao duyên phong phú.

Chơi: Trò chơi của người Thái phổ biến là tung còn, kéo co, bắn nỏ, múa xoè, chơi quay và tó mắc lẹ. Nhiều trò chơi cho trẻ em.

nemconchuan

Trò chơi tung còn của người Thái

Hoàng Hải Yến

ko66 | f8bet | rồng bạch kim | sunwin | da88