Thành phố Đồng Xoài – Tỉnh Bình Phước
1. Giới thiệu về thành phố Đồng Xoài
Thành phố Đồng Xoài là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 120 km, thành phố có tuyến Quốc lộ 14, đường tỉnh 741 và 753 đi qua, đây là những tuyến đường huyết mạch nối liền Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia, kết nối thành phố với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Hiện, thành phố Đồng Xoài có 08 đơn vị hành chính gồm 06 phường, 02 xã với 52 khu dân cư (trong đó đã thực hiện bố trí 165 CBCC, 80 người hoạt động không chuyên trách xã, phường và 150 người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp); có 19 cơ quan, đơn vị và 31 trường học công lập (trong đó đã thực hiện bố trí 79 công chức hành chính; 1361 biên chế viên chức các đơn vị sự và các trường học trực thuộc).
Hàng năm, kinh tế thành phố được duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá với 12,07% trong năm 2021, thu ngân sách trong năm 2021 trên 1.542 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 94,5 triệu đồng/người; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và kiện toàn, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân ngày càng được nâng cao.
2. Thực trạng của thành phố đang gặp phải
Nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số theo định hướng của Đảng, Chính phủ; thành phố Đồng Xoài đã thực hiện đầu tư, thuê dịch vụ CNTT và triển khai tập trung khá hiệu quả, bước đầu đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo điều hành và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân trong thực hiện các TTHC. Tuy nhiên, mỗi hệ thống phần mềm chuyên ngành quản lý các vấn đề, lĩnh vực khác nhau; điều đó dẫn đến các thông tin cần quản lý cát cứ nằm rời rạc trên nhiều thống độc lập nhau; khi cần tổng hợp, phân tích để đưa ra được bức tranh tổng thể các vấn đề về: tình hình kinh tế-xã hội, các chỉ số thống kê về các lĩnh vực chuyên ngành như y tế, giáo dục, đầu tư, tài chính, tình hình xử lý văn bản điều hành, tình hình tiếp nhận và giải quyết TTHC vv… thì rất khó khăn, phải làm thủ công, không đáp ứng được yêu cầu về thời gian và độ chính xác dữ liệu. Như vậy cần phải có một hệ thống có khả năng kết nối, đồng bộ được số liệu từ các nguồn, hệ thống thông tin khác nhau hình thành nên kho lưu trữ số liệu tổng hợp; cho phép phân tích để đưa ra cảnh báo, dự báo đồng thời hỗ trợ cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành xử lý công việc liên quan một cách nhanh chóng, kịp thời.
Xây dựng Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) Thành phố Đồng Xoài cung cấp các giải pháp, dịch vụ, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các dịch vụ đô thị thông minh giúp lãnh đạo thành phố điều hành những việc đột xuất cũng như thường ngày xảy ra trên địa bàn; Hệ thống khi đưa vào hoạt động sẽ hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu quả; tạo nền tảng cho công cuộc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
3. Cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện xây dựng trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh.
– Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 18/5/2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
– Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển địa phương thông minh tỉnh Bình Phước.
– Kế hoạch Kế hoạch số 312/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU Ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về Chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
– Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 26/10/2021 thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 18/5/2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
– Thoả thuận hợp tác số 01/2018/TTHT-UBND-VNPT ngày 27/12/2018 giữa UBND thành phố Đồng Xoài và VNPT Bình Phước về việc “Xây dựng thành phố Đồng Xoài phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2018-2025”.
– Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND thành phố chuyển đổi số xây dựng chính quyền kiến tạo, thành phố tự động, lãnh đạo 360 độ trên địa bàn thành phố Đồng Xoài năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025.
– Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 28/3/2022 của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về một số lĩnh vực trọng điểm, xây dựng và phát triển thành phố Đồng Xoài giai đoạn 2021-2025.
– Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 06/10/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển đô thị thành phố Đồng Xoài giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
4. Khung kiến trúc ICT và Hạ tầng dữ liệu
4.1. Mô hình kiến trúc ICT
Hình: Đề xuất các thành phần nền tảng của IOC trên cơ sở tham chiếu theo mô hình kiến trúc tổng thể Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (văn bản số 213/THH-CPĐT ngày 03 tháng 03 năm 2021 của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông)
* Lớp thu thập
Là tất cả các hệ thống thông tin và dữ liệu nguồn từ các phần mềm nghiệp vụ của tỉnh hiện có và các phần mềm sẽ triển khai trong phạm vi dự án. Thực tế có thể mở rộng kết nối tới hệ thống nội ngành và ngoại ngành theo từng giai đoạn thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ của tỉnh hoặc Quốc gia tuân thủ theo khung kiến trúc CQĐT của Tỉnh Bình Phước.
– Nhóm các hệ thống và dữ liệu triển khai trong dự án
+ Hệ thống tiếp nhận và phân tích ý kiến người dân
+ Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng
+ Phần mềm quản lý camera và tích hợp lõi phân tích video thông minh để phục vụ giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông
– Nhóm hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Bao gồm các phần mềm chuyên ngành của địa phương với các lĩnh vực trọng tâm nhằm mục tiêu thu thập thông tin dữ liệu phục vụ Lãnh đạo chỉ đạo điều hành tập trung, xuyên suốt các ngành, các cấp của tỉnh Bình Phước:
– Nhóm phần mềm và CSDL tổng hợp về kinh tế – xã hội: Hệ thống báo cáo thông minh; Hệ thống thông tin quản lý ngân sách; Hệ thống thông tin các ngành dọc thuế, hải quan, kho bạc; Hệ thống thông tin ngành thống kê;…
– Nhóm phần mềm và CSDL lĩnh vực chính quyền số: Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử; Hệ thống văn bản điều hành;….
– Nhóm phần mềm và CSDL chuyên ngành lĩnh vực các sở ngành khối kinh tế: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng,…
– Nhóm phần mềm và CSDL chuyên ngành lĩnh vực các sở ngành văn hóa, xã hội: Y tế, Giáo dục, Văn hóa thể thao, Du lịch,…
– Nhóm phần mềm và CSDL chuyên ngành lĩnh vực an ninh, quốc phòng
– Nhóm phần mềm và CSDL chuyên ngành được phân cấp quản lý cho cấp quận/huyện hoặc phường/xã/thị trấn.
Kết nối nội bộ: Theo yêu cầu quản lý, điều hành thực tế, trung tâm giám sát, điều hành thông minh sẽ yêu cầu kết nối các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các sở ngành và cấp quận huyện.
Kết nối ngoại ngành: Theo yêu cầu quản lý, điều hành thực tế, trung tâm giám sát, điều hành thông minh sẽ yêu cầu kết nối các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngoại ngành như: Hệ thống và CSDL quốc gia; Hệ thống và CSDL các Bộ ngành đang quản lý tập trung.
* Lớp hạ tầng
Để hệ thống có thể hoạt động được hiệu quả thì cần có hạ tầng CNTT được thiết kế tối ưu bao gồm các phân hệ:
Hạ tầng tính toán (trung tâm dữ liệu): Bao gồm các máy chủ vật lý, máy chủ ảo hóa, các thiết bị lưu trữ khác.
Hạ tầng an toàn thông tin: Bao gồm các thiết bị mã hóa, các thiết bị bảo mật, tường lửa để đảm bảo an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống theo quy định hiện hành.
Hạ tầng kết nối: Bao gồm các thiết bị truyền dẫn, các thiết bị mạng có dây, dự án triển khai hạ tầng mạng chuyên dùng để đảm bảo kết nối và an toàn thông tin.
Hạ tầng cơ sở: bao gồm hệ thống nguồn điện, điều hòa, âm thanh, ánh sáng,… tại trung tâm dữ liệu, trung tâm chỉ huy, phòng điều khiển vận hành,…; hạ tầng triển khai lắp đặt thiết bị camera, trực ban điện tử ngoài hiện trường.
* Lớp tích hợp dữ liệu
Là nền tảng tích hợp dữ liệu (data integration) nhằm thực hiện tích hợp các ứng dụng và dữ liệu để cho phép các ứng dụng được thiết kế độc lập có thể hoạt động cùng nhau.
Thực hiện tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được xác định tại lớp thu thập bao gồm các ứng dụng nội bộ của nền tảng IOC và giữa nền tảng IOC với ứng dụng của các hệ thống bên ngoài.
Thực hiện cơ chế ETL để kết nối, bóc tách, làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu từ các nguồn khác nhau về hệ thống kho dữ liệu (data warehouse) của Trung tâm: Với đặc thù dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn. Dữ liệu hoàn toàn có xác suất bị lỗi/ sai trong quá trình đồng bộ về hệ thống CSDL tập trung. Chức năng này cho phép hệ thống loại bỏ các thông tin nhiễu, chuẩn hóa dữ liêu và lưu trữ vào hệ thống. Đặc biệt dữ liệu các ngành, các lĩnh vực chưa có sự thống nhất danh mục điện tử dùng chung sẽ gặp nhiều khó khăn để “kết nối” các dữ liệu để khai phá các tri thức tiềm ẩn.
Cung cấp cổng kết nối, các giao diện lập trình (API) để nhận dữ liệu từ các hệ thống thông tin khác cung cấp cho Trung tâm.
Cho phép kết nối tới các hệ thống nền tảng tích hợp LGSP, NGSP để đáp ứng khả năng mở, trao đổi dữ liệu khi có yêu cầu từ Chính phủ hoặc ngành dọc theo quy trình, quy định.
* Lớp dữ liệu và lưu trữ
Hệ thống lưu trữ (video storage): hệ thống lưu trữ hình ảnh video được ghi nhận từ các thiết bị camera ngoài hiện trường để bổ trợ trong trường hợp cần thiết phải truy xuất hình ảnh phục vụ chỉ đạo điều hành.
Kho dữ liệu thu thập phục vụ phân tích: kho lưu trữ dữ liệu thu thập được từ các hệ thống và CSDL nhằm mục tiêu phân tích, khai thác dữ liệu chuyên sâu phục vụ chỉ đạo điều hành.
CSDL kết quả phân tích hình ảnh camera: là cơ sở dữ liệu hình thành thông qua phân tích hình ảnh camera từ hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), các kết quả phân tích sẽ được lưu trữ để phục vụ các nghiệp vụ trinh sát, truy vết, tìm kiếm.
CSDL điều hành, xử lý vụ việc: được hình thành khi thực hiện các các nghiệp vụ trên hệ thống phần mềm điều hành trung tâm.
Kho dữ liệu báo cáo tổng hợp, phân tích (data warehouse): bao gồm hệ thống dữ liệu thô (staging), hệ thống dữ liệu đã được làm sạch (data mart) để phục vụ quản lý và khai thác hiệu quả, các chỉ số giám sát được phân tích và đưa ra cảnh báo (gửi cảnh báo khi dữ liệu vượt ngưỡng).
CSDL khác theo thực tế, yêu cầu vận hành trung tâm IOC.
* Lớp công nghệ nền tảng
Phân tích dữ liệu thông minh và trực quan hóa dữ liệu: cung cấp các tính năng về khai thác dữ liệu đa chiều, trực quan hóa thông tin, tạo ra các báo cáo tĩnh, báo cáo động và các báo cáo tức thì (ad-hoc reports). Đáp ứng yêu cầu hiển thị và biểu diễn dữ liệu trực quan và đa chiều để giúp hiểu rõ bản chất về số liệu từ đó giúp Lãnh đạo các cấp đưa ra các chỉ đạo điều hành kịp thời và phù hợp.
Phân tích cảnh báo dữ liệu, dự báo: cung cấp thông báo/cảnh báo khi một sự kiện xảy ra đạt đến ngưỡng cảnh báo trong quy tắc đã xác định, thiết lập trong hệ thống để yêu cầu cán bộ vận hành, quản trị cần lưu ý/xử lý (bao gồm cả việc thay đổi giá trị của các chỉ số KPIs trong hệ thống), có khả năng phân tích đưa ra các dự báo bằng các công cụ phân tích dữ liệu dạng thời gian (time series forecasting)
Nhóm các công nghệ phân tích video thông qua hệ thống camera: Nhận diện khuôn mặt, Cảnh báo tụ tập đám đông; Cảnh báo xâm nhập vùng cấm… đây là các nền tảng sử dụng công nghệ AI để nhận diện, phân tích hình ảnh qua đó có thể đưa ra các cảnh báo nhanh, chính xác.
Quản lý, cấu hình quy trình động: Cho phép khai báo, cấu hình động các quy trình nghiệp vụ, các biểu mẫu, báo cáo và chỉ số hiệu suất KPIs; giúp nâng cao tính sẵn sàng, khả năng mở rộng, phát triển và điều chỉnh các quy trình theo yêu cầu nghiệp vụ thực tế.
Quy tắc sự kiện, cảnh báo dữ liệu: Cung cấp các chức năng cho phép quản lý, thiết lập và định nghĩa các quy tắc với các đối tượng, mức độ quan trọng khác nhau để thực thi xử lý khi phát sinh sự kiện trong quá trình vận hành hệ thống.
* Lớp ứng dụng, dịch vụ
Bao gồm các hệ thống như là:
Hệ thống IOC bao gồm các phân hệ:
– Hệ thống chỉ đạo, điều hành theo quy trình chuẩn (SOP): Cung cấp các chức năng chỉ đạo, hướng dẫn phục vụ xử lý, giải quyết các sự kiện phát sinh trên hệ thống; hỗ trợ lãnh đạo, cán bộ vận hành các cấp trao đổi, chỉ đạo, giám sát trực tiếp trên hệ thống theo thời gian thực; hỗ trợ chức năng khuyến nghị, hướng dẫn để xử lý các tình huống khẩn cấp, điều phối liên thông;
– Hệ thống quản lý sự kiện, cảnh báo, thông báo: cho phép thiết lập các kịch bản giám sát sự kiện, quản lý kiểm soát phát thông báo, cảnh báo toàn hệ thống.
– Hệ thống quản lý quy trình, cấu hình động: cho phép khai báo, định nghĩa các quy trình xử lý sự kiện, sự vụ phù hợp với nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức vận hành IOC, cho phép linh hoạt thay đổi cấu hình để tối ưu trong quản trị vận hành; đồng thời theo dõi, giám sát các luồng nghiệp vụ xử lý trong hệ thống để bảo đảm các quy trình nghiệp vụ tuân thủ các quy tắc và quy trình đã được cấu hình, thiết lập.
– Ứng dụng IOC (IOC APP): cho phép tổng hợp đầy đủ các thông tin, sự kiện, chỉ đạo điều hành giúp Lãnh đạo có thể chỉ đạo điều hành kịp thời, mọi nơi, mọi lúc.
– Tiếp nhận thông báo, cảnh báo: quản lý, giám sát toàn bộ các thông báo, cảnh báo khi phát hiện các vấn đề phát sinh (được kích hoạt bởi thay đổi trạng thái KPI hoặc tương quan sự kiện) đủ quan trọng để lãnh đạo các cấp và đơn vị điều hành chú ý.
– Hệ thống tổng hợp, báo cáo, phân tích thông tin.
– Hệ thống bảng điều hành: đáp ứng yêu cầu hiển thị và biểu diễn dữ liệu trực quan và đa chiều để giúp hiểu rõ bản chất về số liệu từ đó giúp Lãnh đạo đưa ra các chỉ đạo điều hành kịp thời và phù hợp.
– Hệ thống phân tích và xử lý dữ liệu: quản lý, giám sát toàn bộ các thông báo, cảnh báo khi phát hiện các vấn đề phát sinh (được kích hoạt bởi thay đổi trạng thái KPI hoặc tương quan sự kiện) đủ quan trọng để lãnh đạo các cấp và đơn vị điều hành chú ý.
– Báo cáo và số liệu thống kê: Cho phép người sử dụng lập/khai báo các số liệu thống kê và báo cáo theo biểu mẫu theo quy định và định nghĩa sẵn trong ứng dụng.
Hệ thống camera giám sát thông minh: bao gồm các ứng dụng thành phần:
– Hệ thống quản lý video camera
– Hệ thống giám sát camera thông minh
– Hỗ trợ xử lý nghiệp vụ, giám sát các sự kiện
Phần mềm dùng chung bao gồm:
– Hệ thống tiếp nhận và phân tích ý kiến người dân (phản ánh hiện trường)
– Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng
* Kênh giao tiếp
Bao gồm các thành phần:
– Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Tỉnh
– Trung tâm giám sát, điều hành thông minh các sở ngành.
– Trung tâm giám sát, điều hành thông minh các quận, huyện
– Điều hành và giao ban trực tuyến để giao tiếp, tương tác hai chiều
Nhóm các kênh giao tiếp với người dùng: web/portal, email, thiết bị di động, kết nối trực tiếp, và các thiết bị, kênh giao tiếp khác.
* An toàn thông tin
Việc triển khai xây dựng IOC cần bảo đảm gắn liền với việc thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017; triển khai phương án giám sát an toàn thông tin mạng theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017, hướng dẫn tại Văn bản số 2973/BTTTT-CATTT ngày 04/9/2019; xây dựng sẵn sàng phương án ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng theo Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/9/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông và bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin về mã độc giữa các hệ thống kỹ thuật theo hướng dẫn tại Văn bản số 2290/BTTTT-CATTT ngày 17/7/2018.
Triển khai các hệ thống của IOC trong dự án phù hợp với các thành phần, mô hình và giải pháp, chính sách bảo đảm ATTT đã được đưa trong dự án hiện có do vậy dự án không thực hiện đầu tư trùng lắp.
* Chính sách quản trị, điều hành
Bao gồm các chính sách, văn bản quy định về công tác tổ chức quản trị, điều hành như quy chế vận hành, các quy trình xử lý sự kiện, quy trình thực thi chỉ đạo điều hành, các chỉ tiêu hiệu suất KPIs và các điều kiện triển khai và duy trì IOC.
* Các HTTT/CSDL khác bên ngoài
Bao gồm các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác không thuộc phạm vi của IOC, được tích hợp, kết nối với IOC để chia sẻ dữ liệu hoặc phối hợp xử lý các bài toán nghiệp vụ liên thông có liên quan theo yêu cầu.
4.2. Mô hình kiến trúc cơ sở dữ liệu
5. Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Đồng Xoài
Thành phố thông minh là nơi mà công nghệ thông tin và các giải pháp đồng bộ được ứng dụng vào mọi hoạt động của thành phố đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, cộng đồng xã hội…Chính quyền điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; việc áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp Lãnh đạo thành phố Đồng Xoài điều hành, quản lý một cách thuận tiện, khoa học nhất. Chính vì vậy, thành phố đã cho triển khai, đi vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Đồng Xoài vào ngày 28/4/2020. Tổng mức đầu tư cho xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021 – 2025 là 20 tỷ đồng (chiếm 1% trên tổng số vốn đầu tư). Hệ thống phần mềm IOC được đặt tại trung tâm IDC VNPT (đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9250:2012 được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn TIA-942 – Telecommunications Infrastructure Standard for Data Centers) .
Hiện nay IOC thành phố đã kết nối, chia sẻ các hệ thống gồm
– Hệ thống camera an ninh giao thông: Hiện tại, thành phố có 205 mắt camera thông minh, 01 camera quay quét tầm cao và hơn 853 camera sử dụng đường truyền internet (Gồm 526 camera xã hội hóa và 327 camera người dân chia sẻ đường truyền) được lắp đặt tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực chợ, khu vực ngã ba, ngã tư, khu vực thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự…Thông qua hệ thống, trong năm 2021 thành phố đã trích xuất được 538 hình ảnh, trong đó sử dụng vào mục đích đảm bảo ANTT 229 hình ảnh, sử dụng vào mục đích đảm bảo TTATGT 138 hình ảnh và 171 hình ảnh sử dụng và mục đích khác như truy vết FO, F1, F2 trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tìm người lạc…Kết quả xử lý hành chính là 78 vụ, xử phạt cảnh cáo 07 trường hợp, xử phạt tiền 80 trường hợp với số tiền 139.867.000 đồng; xử phạt hình sự 81 vụ, 90 đối tượng.Việc nhắc nhở, xử lý vi phạm qua hệ thống Camera giám sát an ninh đã dần thay đổi ý thức của người dân, tự giác hơn, trách nhiệm hơn trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
– Hệ thống phản ánh hiện trường: là giải pháp nhanh chóng, tiện lợi và chính xác để người dân phản ánh, tương tác với chính quyền; giúp chính quyền tiếp nhận và xử lý tức thời các vấn đề mà người dân phản ánh. Hệ thống được sử dụng trên Hệ điều hành IOS (Iphone và Ipad) và Hệ điều hành Androind (Samsung và các điện thoại thông minh khác) với tên gọi “Bình Phước Today”, trong năm 2021 đã tiếp nhận và xử lý được 243 tin phản ánh.
– Hệ thống đèn đô thị thông minh Smartligh: Đã triển khai thí điểm tại 02 tuyến đường: Lý Thường Kiệt (16 bóng đèn) và Lê Duẩn (35 bóng đèn). Từng đèn được số hóa trên bản đồ để dễ dàng theo dõi, quản lý, vận hành. Hệ thống đèn được điều khiển từ xa qua môi trường mạng,có thể tự động bật và tự động tắt, ngoài ra còn có thể đặt lịch và thay đổiđộ sáng theo ý muốn giúp tiết kiệm điện năng. Qua kiểm tra, theo dõi thì mức độ tiêu thụ điện năng của hệ thống giảm xuống rõ rệt (Giảm 40%) so với lúc trước đang sử dụng hệ thống đèn thông thường.
– Hệ thống giám sát dịch vụ công: Cung cấp cho Lãnh đạo thành phố bức tranh tổng quát về tình hình tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị để từ đó nắm bắt hiện trạng, tồn tại và đưa ra các định hướng chỉ đạo, giải quyết nhằm nâng cao công tác phục vụ người dân và công tác giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay,tất cả các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố đều được cập nhật trên Hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến với 355 thủ tục, gồm 67 thủ tục ở mức độ mức 2, 148 thủ tục ở mức độ 3 và 140 thủ tục ở mức độ 4.
– Hệ thống giáo dục: Được thành phố cập nhật từ nguồn dữ liệu của phần mềm quản lý và dạy học vnEdu và đồng bộ lên IOC thành phố. Từ hệ thống Lãnh đạo thành phố có được cái nhìn tổng thể về ngành giáo dục thành phố; nắm rõ được các thông tin, chỉ tiêu, tỷ lệ về trường học, giáo viên và học sinh…để đưa ra những chỉ đạo, điều hành một cách nhanh chóng, phù hợp và hiệu quả
– Hệ thống y tế: Đã tích hợp số liệu từ các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về IOC thành phố; kết nối cập nhật số liệu khám bảo hiểm xã hội và dịch vụ, nguồn dữ liệu được lấy từ Cổng thông tin y tế của Bộ Y tế và đồng bộ lên IOC tỉnh; đã triển khai thanh toán VNPT Pay 2 cơ sở y tế Y học cổ truyền và Trung tâm y tế Đồng Xoài. Hiện hệ thống cung cấp các thông tin cần thiết như: Tổng số ca bệnh, tử vong, điều trị; theo dõi được số lượng người đang điều trị trên địa bàn….Giúp cho Lãnh đạo các cấp có cái nhìn tổng thể theo thời gian thực của lĩnh vực Y tế.
– Hệ thống giám sát điều hành Kinh tế – Xã hội: Triển khai sử dụng trên địa bàn thành phố từ tháng 10/2021. Hệ thống đã được cập nhật các số liệu cơ bản, đáp ứng chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND thành phố về các chỉ tiêu: Tình hình thu chi ngân sách địa phương trên địa bàn thành phố, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, văn hóa xã hội khác, tình hình giải ngân các công trình xây dựng cơ bản…Hiện nay, đã cập nhật chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 và các tháng, quý trong năm 2022.
– Hệ thống quan trắc môi trường : Nhằm ứng phó hiệu quả với mưa lớn, lũ lụt và thời tiết bất thường thành phố đã triển khai lắp đặt và đi vào hoạt động hệ thống chống ngập tại cầu 11 Suối Rạt. Hệ thống giúp cho thành phố giám sát và cảnh báo ngập lụt tự động theo thời gian thực cho các cấp chính quyền, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.
– Hệ thống du lịch thông minh: Là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng theo mô hình website, có tích hợp phần mềm ứng dụng du lịch trên điện thoại thông minh (Smart phone), hỗ trợ cho việc cập nhật, quản lý thông tin trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và nhu cầu tra cứu thông tin của du khách đến tỉnh Bình Phước tham quan, du lịch. Cung cấp, cập nhật thông tin chính thống về chất lượng dịch vụ, giá cả của các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Bản đồ, thời tiết, lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, trạm xăng, dầu, ATM và các dịch vụ tiện ích khác liên quan đến khách du lịch) để du khách có sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhu cầu khi tham quan, du lịch tại tỉnh Bình Phước.
– Hệ thống an toàn thông tin: Hệ thống thực hiện giám sát an toàn, an ninh mạng theo tiêu chuẩn 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, hệ thống sẽ gồm 01 trung tâm đặt tại tỉnh kết nối với các máy trạm trên địa bàn tỉnh và kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Hệ thống sẽ giám sát và xử lý tự động những thông tin độc hại liên quan đến máy tính trên địa bàn toàn thành phố. Đến nay hệ thống đã giám sát 193 máy tính. Phát hiện và xử lý 63.441 mối nguy hại.
– Hệ thống Thông tin địa lý GIS: Hỗ trợ quản lý nguồn tài nguyên đất, hệ thống qui hoạch, hạ tầng kỹ thuật trên toàn thành phố một cách thống nhất. Hiện nay đã số hóa dữ liệu 01 đồ án quy hoạch chung; 05 đồ án phân khu; 60 đồ án quy hoạch chi tiết lên hệ thống với tổng diện tích là 167,32 km2, qua đó đã góp giúp lãnh đạo và người dân có thể tra cứu thông tin như bản đồ thửa, bản đồ nền, thông tin quy hoạch xây dựng…hạ tầng kỹ thuật của thành phố như điện lưới, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng…Hỗ trợ lãnh đạo các cấp có 1 cái nhìn tổng quan về hệ thống thông tin địa lý, nhanh chóng đưa ra các chỉ đạo điều hành.
6. Hiệu quả đạt được
– Về mức độ Quản lý :
Xây dựng Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để đưa những cảnh báo kịp thời, chính xác, giúp Lãnh đạo thành phố quản lý được đa dạng, phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính Nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.
Tạo ra nền tảng để thúc đẩy triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý; công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý; người dân được tham gia tương tác với hoạt động Nhà nước; bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả.
Thông qua Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC), Lãnh đạo thành phố sẽ có thể thu thập, phân tích, phản ứng chính xác trước các thông tin về các hệ thống, dịch vụ của địa phương, bao gồm cả các hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng như an toàn xã hội, giao thông, nước, các dịch vụ xã hội liên quan khác. Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) giúp phân tích thông tin thời gian thực, các thực thể được mô hình hóa và dự báo chính xác hơn về các vấn đề nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của sự gián đoạn hoạt động đối với công dân; đồng thời nó có khả năng phân tích, tổng hợp thông tin thời gian thực từ nhiều hệ thống của tỉnh nhằm hỗ trợ việc ra quyết định mang tính chất đồng bộ để đưa ra hướng xử lý nhanh, hiệu quả.
– Về mức độ kinh tế:
+ Hệ thống họp không giấy, hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý QLVB – chữ ký số, thanh toán trực tuyến trên dịch vụ công đã góp phần tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, thời gian thực hiện, thời gian đi lại
– Chất lượng các tiện ích cho doanh nghiệp: giúp doanh nghiệp xem được tình trạng xử lý hồ sơ; thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
– Về mức độ về môi trường Hệ thống quan trắc môi trường của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) bao gồm các thiết bị cảm biến môi trường không khí được lắp đặt ở các khu đông dân cư và thiết bị tính toán lưu lượng dòng nước chảy ở các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt. Giúp cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước và người dân giám sát về chất lượng không khí và cũng như nhận được những cảnh báo chống ngập lụt để phòng tránh.
7. Các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, môi trường…đang áp dụng
– Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO/IEC 27002:2011 về công nghệ thông tin – Các kỹ thuật an toàn – Quy tắc thực hành quản lý an toàn thông tin.
– Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6768-1:2000 (IEC 574-1:1977) về thiết bị và hệ thống nghe-nhìn, video và truyền hình.
– Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9250:2012 về Trung tâm dữ liệu – Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
– Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001-2008 về Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu.
5. Quyết định số 1914/2009/QĐ-BCA-E11 ngày 07/7/2009 của Bộ Công an ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.