Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trừ Văn Thố – Baoapbac.vn

Trừ văn thố

Trừ Văn Thố sinh năm 1937, quê quán xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Tháng 10-1961, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong Đội Biệt động thị trấn Cai Lậy; sau đó được phân công về bộ đội địa phương, hoạt động tại quê nhà. Tháng 4-1962, đồng chí được bổ sung về Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực Miền. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn thể hiện lòng quả cảm, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó… NGƯỜI ANH HÙNG TẠI BÓT CÂY TRƯỜNG

Bót Cây Trường là 1 trong 2 di tích lịch sử cấp tỉnh đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng công nhận trong năm 2020. Di tích này ghi lại những hình ảnh và thành tích chiến đấu kiên cường, bất khuất của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng, trong đó có Anh hùng – Liệt sĩ Trừ Văn Thố.

Tượng Anh hùng LLVT nhân dân Trừ Văn Thố được đặt trang trọng trong khuôn viên Trường THCS Trừ Văn Thố, tọa lạc phường 1, TX. Cai Lậy. Ảnh: QUẾ NGÂN Tượng Anh hùng LLVT nhân dân Trừ Văn Thố được đặt trang trọng trong khuôn viên Trường THCS Trừ Văn Thố, tọa lạc phường 1, TX. Cai Lậy. Ảnh: QUẾ NGÂN

Năm 1962, chính quyền Sài Gòn tăng cường đánh chiếm, tổ chức nhiều đợt càn quét với quy mô lớn vào Chiến khu Đ. Đồng chí Trừ Văn Thố đã kiên cường bám trụ, kịp thời cung cấp thông tin giúp cấp trên nắm rõ tình hình địch và tổ chức nhiều trận đánh làm suy yếu và tiêu hao sinh lực địch. Tháng 4-1963, đồng chí được cử đi học khóa trinh sát đặc công, sau đó bổ sung về đơn vị Q-272, là đơn vị đặc công tinh nhuệ thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực Miền.

Bót Cây Trường được địch xây dựng khoảng năm 1957, là một trong những cứ điểm quân sự quan trọng của chính quyền Sài Gòn bố trí dọc trục đường 13, phía bắc Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ và có vị trí chiến lược quan trọng thuộc khu tam giác dinh điền Văn Hữu – Căm Xe với rừng lớn hiểm trở, nằm sâu trong vùng giải phóng của ta.

Bót được phòng thủ chặt chẽ bởi lực lượng bảo an và 1 đội dân vệ với các trang thiết bị, vũ khí hiện đại do Mỹ viện trợ. Căn cứ này được chính quyền Sài Gòn xem là bàn đạp để tổ chức đánh phá vào Chiến khu Đ, là nơi tập kết quân sự để thực hiện các trận đánh phá căn cứ Chiến khu Long Nguyên.

Ngày 5-5-1965, Liệt sĩ Trừ Văn Thố được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng III và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Anh hùng – Liệt sĩ Trừ Văn Thố, ngày 1-6-1976, UBND tỉnh Sông Bé đã ra quyết định lấy Khu Dinh Điền Văn Hữu trước đây thành lập xã kinh tế mới, đặt tên là xã Trừ Văn Thố, thuộc huyện Bình Long. Từ năm 1997, xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ngày nay, xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Nhiều trường học trên địa bàn xã Trừ Văn Thố và phường 1, TX. Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) mang tên Anh hùng – Liệt sĩ Trừ Văn Thố.

Để bảo đảm an toàn cho căn cứ, cơ quan cách mạng đóng ở Chiến khu Đ đã quyết định phải tiêu diệt cho bằng được bót Cây Trường của địch. Ngày 18-10-1963, Tiểu đoàn Bộ binh 5 được tăng cường Đại đội đặc công của Trung đoàn 2 nhận nhiệm vụ tấn công tiêu diệt bót Cây Trường trong ấp chiến lược xã Long Nguyên.

Do giữ được bí mật và bất ngờ, nên loạt bộc phá mở đầu, ta đánh sập lô cốt trung tâm cố thủ của địch, mở được hàng rào và bắn vỡ pháo đài. Hỏa lực địch liên tục bắn chặn đường quân ta xung phong, làm nhiều bộ đội ở hướng chủ yếu hy sinh. Không do dự, đồng chí Trừ Văn Thố ôm bộc phá lao lên, một loạt đạn trung liên từ lỗ châu mai địch bắn ra.

Trúng đạn, đồng chí bị thương nặng, vẫn ôm bộc phá và cố trườn tới đặt bộc phá vào lô cốt. Bộc phá nổ tung, lô cốt im lặng vài giây. Sau đó hỏa lực của địch từ lỗ châu mai vẫn tiếp tục bắn ra. Đồng chí Trừ Văn Thố rút pháo thủ ném vào, nhưng hỏa lực địch vẫn không tắt. Đội hình tiến công của ta bị đánh chặn lại, nhiều đồng chí tiếp tục hy sinh. Trước tình hình gay go tưởng chừng không thể vượt qua, đồng chí Trừ Văn Thố bất ngờ đứng dậy lao người vào lỗ châu mai, lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên của địch, tạo thời cơ cho đồng đội chiến đấu và giành thắng lợi hoàn toàn.

Đồng chí Trừ Văn Thố là người đầu tiên của Sư đoàn 9 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. NHỮNG “MẦM XANH” TRÊN QUÊ HƯƠNG ANH HÙNG TRỪ VĂN THỐ

Năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra quyết liệt, Tiểu ban Giáo dục tỉnh Mỹ Tho được thành lập. Tiểu ban chủ trương “giải phóng đến đâu, phát triển giáo dục đến đó”. Tháng 5-1964, Tiểu ban quyết định mở Trường Thiếu sinh quân mang tên Liệt sĩ – Anh hùng LLVT nhân dân Trừ Văn Thố tại rạch Chùa, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy.

Ban đầu, Trường Trừ Văn Thố có 2 lớp cấp I với 60 học sinh là con em liệt sĩ, gia đình chí cốt cách mạng, gia đình nghèo ở các huyện trong tỉnh, do thầy Chín Cảnh, thầy Hoài Dũng và cô Lâm Thanh Vân trực tiếp giảng dạy, quản lý. Đến năm 1965, trường chuyển về cầu Kinh, xã Phú An, huyện Cai Lậy, ngoài giảng dạy văn hóa phổ thông cấp I, cấp II, còn dạy chương trình bổ túc văn hóa và sư phạm.

Đội ngũ giáo viên có thêm cô Sáu Nguyệt, cô Tư Hồng, thầy Hai Tùng, thầy Ba Hùng, thầy Ba Trưng, thầy Năm Nghĩa. Do quy mô mở rộng, ngoài phòng học thầy và trò tự làm, trường còn mượn tạm nhà dân làm phòng học. Chương trình học của trường còn có thêm học quân sự, thể dục – thể thao và sinh hoạt văn nghệ.

Năm 1966, Trường Trừ Văn Thố tiếp nhận học sinh khóa 3 với một loạt học sinh mới là cán bộ, chiến sĩ, con em liệt sĩ, con em gia đình có công với cách mạng. Chiến tranh ác liệt từ năm 1966 – 1968, Trường Trừ Văn Thố liên tiếp dời về các điểm trường mới nhằm đảm bảo an toàn cho thầy và trò: Hậu Mỹ Lợi, Thanh Hưng (huyện Cái Bè), Hiệp Đức (huyện Cai Lậy).

Từ năm 1969 – 1972, địch điên cuồng khủng bố, đánh phá, nhiều thầy và trò Trường Trừ Văn Thố tạm gác bút nghiên, trực tiếp cầm súng đánh giặc, phục vụ chiến trường; một số ở lại ngành cố gắng duy trì trường lớp.

Nhiều thầy giáo và học sinh bị địch bắt hoặc đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Cuối năm 1972, Trường Trừ Văn Thố được mở lại tại xã Long Tiên (huyện Cai Lậy), số học sinh lên đến 120. Hiệu trưởng và nhiều thầy giáo của trường từng là học sinh những khóa 1964 – 1968.

Từ ngày thành lập đến năm 1975, Trường Trừ Văn Thố đã đào tạo hàng ngàn thanh, thiếu niên, cung cấp cho các ngành trong tỉnh và các đơn vị bộ đội. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, huyện Cai Lậy có 4 trường mang tên Trừ Văn Thố, đều nằm trên địa bàn thị trấn Cai Lậy. Hiện trên địa bàn TX. Cai Lậy còn 1 trường trung học cơ sở mang tên Trừ Văn Thố.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

ko66 | f8bet | rồng bạch kim | sunwin | 2hubet.com