Dương Kinh nhà Mạc ở đâu? – Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Dương kinh

Video Dương kinh
Dương Kinh nhà Mạc ở đâu? nhà Mạc đã làm gì để xây dựng Dương Kinh? Vai trò của nó như thế nào đối với vận mệnh của Vương triều Mạc? Đây là một vấn đề đã làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây. kienthuclichsuvanhoa 22 Trước hết, để xác định cụ thể vị trí địa lý và không gian phân bố của Dương Kinh xưa kia, không có nguồn tư liệu nào bổ ích hơn là tìm kiếm trong các bộ chính sử Việt Nam. Mặc dù vậy, điều đó cũng không mấy dễ dàng đối với các nhà nghiên cứu. Cuốn sử xưa nhất có chép về nhà Mạc là Đại Việt sử ký toàn thư thì không hề nhắc đến Dương Kinh. Cho mãi đến thế kỷ XVIII, trong Đại Việt thông sử, chúng ta mới thấy Lê Quý Đôn nhắc đến Dương Kinh, trong đó có đoạn viết: tháng này (tức tháng 6 năm 1527), Đăng Dung vào kinh thành, ngự nơi chính điện, tế yết Nam Giao, đặt Hải Dương là Dương Kinh, lập cung điện ở Cổ Trai…. Tuy nhiên, nếu cứ căn cứ vào mấy dòng ghi chép ấy ta sẽ thấy không gian phân bố của Dương Kinh lại quá rộng, bao gồm toàn bộ xứ Hải Dương xưa (gồm cả Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và một phần Thái Bình ngày nay).

Vào thế kỷ XIX, trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chúng ta mới thấy không gian phân bố của Dương Kinh đã được thu hẹp và rõ ràng hơn: Nhà Mạc đặt Nghi Dương làm Dương Kinh, trích lấy phủ Thuận An thuộc trấn Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam cho lệ vào Dương Kinh…

kienthuclichsuvanhoa 23 Cũng theo sách này, huyện Nghi Dương đã có từ thời Lê sơ, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) định bản đồ cả nước thì huyện Nghi Dương thuộc về phủ Kinh Môn, Hải Dương, mà theo sử cũ thì Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương. Như vậy, rõ ràng Dương Kinh xưa chính là huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà Nguyễn đã tách 4 huyện Nghi Dương, An Dương, Kim Thành, An Lão đặt thêm phủ Kiến Thuỵ, đến năm Thành Thái thứ 10 (1898) nhà Nguyễn lại tách 2 huyện An Dương, An Lão của phủ Kiến Thuỵ, huyện Thuỷ Nguyên của phủ Kinh Môn và huyện Tiên Lãng của phủ Nam Sách làm tỉnh Kiến An. Phủ Kiến Thuỵ khi ấy chỉ còn lại hai huyện là Nghi Dương và Kim Thành.

Năm 1963, tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhất thành Thành phố Hải Phòng, trong đó có huyện Kiến Thuỵ ngày nay (bao hàm cơ bản huyện Nghi Dương xưa). Như vậy, chúng ta có thể xác định Dương Kinh xưa thuộc về huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng) ngày nay. Và không còn gì bàn cãi là tại huyện Kiến Thuỵ bây giờ vẫn còn làng Cổ Trai thuộc xã Ngũ Đoan, địa danh được sử cũ chép là quê hương của Mạc Đăng Dung, nơi đó hiện có từ đường họ Mạc và một chi họ Mạc. Đến đây, có thể khẳng định làng Cổ Trai chính là quê hương của Mạc Đăng Dung, đồng thời cũng là trung tâm của Dương Kinh nhà Mạc.

Như trên đã nói, ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã đặt Nghi Dương là Dương Kinh và cho xây dựng cung điện ở Cổ Trai. Tại đây, trong suốt thời Mạc, chắc chắn đã có rất nhiều công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt và thiết triều đã được xây dựng. Đại Việt thông sử đã ghi rõ vào tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung đã cho dựng thêm một ngôi điện để ở, gọi là điện Phúc Ý, tại phía tây điện Hưng Quốc Dương Kinh. Như vậy, trước khi trở thành kinh đô thứ hai, ở vùng đất Cổ Trai, Dương Kinh đã có điện Hưng Quốc. Theo chúng tôi, đây là nơi ở và làm việc của Mạc Đăng Dung trong quá trình phò tá nhà Lê. Sử cũ đã nhiều lần chép về việc Mạc Đăng Dung lui về ở Cổ Trai và từ Cổ Trai vào kinh thành Thăng Long.

kienthuclichsuvanhoa 24 Bên cạnh những kiến trúc đó, ở Dương Kinh còn có nhiều công trình kiến trúc khác nữa. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 12 năm 1529, Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái Thượng Hoàng, ra điện Tường Quang ở, coi nghề đánh cá là thú ngao du tự lạc. Lúc này, ở Dương Kinh lại có thêm một quần thể kiến trúc khác, đó là điện Tường Quang. Mặt khác, theo ghi chép của Đại Việt thông sử thì vào năm 1530, sau khi vừa mới lên ngôi, Đăng Doanh tôn cha làm Thái Thượng Hoàng, dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở, mỗi tháng vào ngày mồng 8 và ngày 22 Đăng Doanh dẫn quần thần tới điện triều yết. Từ hai nguồn sử liệu nêu trên, ta thấy điện Tường Quang có quy mô to lớn và nguy nga như thế nào, công trình này không chỉ là nơi ở của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung mà còn là nơi thiết triều hàng tháng của vua tôi nhà Mạc thời bấy giờ.

Ngoài những công trình kiến trúc chính, phục vụ sinh hoạt và thiết triều, các lăng mộ ở Cổ Trai cũng được chú trọng xây dựng, sửa chữa. Mạc Đăng Dung đã cho sửa mộ cha thành lăng, tôn thân phụ làm Chiêu Tổ Quang Lịêt Cơ Mệnh Hoàng đế, thân mẫu Đặng Thị làm Hoàng Thái hậu. Thân mẫu của Đăng Dung khi mất được mai táng ở Thuỵ Lăng, bản thân Mạc Đăng Dung khi mất được mai táng ở Long Sơn, gọi là An Lăng. Đến thời Lê Quý Đôn, khu lăng mộ nhà Mạc ở Cổ Trai được gọi là xứ Mả Lăng.

Qua đây cho thấy, Cổ Trai, trung tâm của Dương Kinh thời Mạc đã được xây dựng có quy mô lớn với nhiều quần thể kiến trúc khác nhau, bao gồm nơi ở và sinh hoạt, nơi thiết triều và lăng mộ của nhà Mạc. Do đó, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, Cổ Trai không chỉ là thang mộc ấp của nhà Mạc mà còn là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá lớn của đất nước thế kỷ XVI.

kienthuclichsuvanhoa 25 Từ khi chưa lên ngôi, đất Cổ Trai đã là một căn cứ địa căn bản và vững chắc của Mạc Đăng Dung, ông thường xuyên đi lại giữa Cổ Trai và Thăng Long. Năm 1525, lúc mà quyền hành lên tới tột bậc, vua Lê hoàn toàn chỉ làm hư vị thì Đăng Dung đã lui về ở Cổ Trai nhưng thực tế vẫn chế ngự triều chính. Năm 1527, vua Lê phải cho người đến tận Cổ Trai ban mệnh vua phong Vương cho Đăng Dung. Ngay cả khi Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Đăng Doanh, xưng là Thái Thượng Hoàng lui về ở Cổ Trai đánh cá làm vui thì mục đích sâu xa của Mạc Đăng Dung mà như Lê Quý Đôn khẳng định là để trấn vững nơi căn bản và làm ngoại viện cho Đăng Doanh, nhưng vẫn định đoạt các việc trọng đại quốc gia. Hàng tháng, vào các ngày mồng 8 và 22, Mạc Đăng Doanh vẫn dẫn quần thần về Cổ Trai để triều yết. Ngoài ra, theo Lê Quý Đôn thì từ Cổ Trai, Mạc Đăng Dung vẫn tiếp tục chỉ huy quân đội, bàn các công việc bang giao, lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi sau khi Đăng Doanh qua đời….

Như vậy, cũng giống như các triều vua trước, mỗi khi lập được đế nghiệp thường hướng về quê hương nơi phát tích, nơi có nhà cửa, dòng họ và lăng mộ tổ tiên, như nhà Lý đối với Đình Bảng (Bắc Ninh); nhà Trần đối với Tức Mặc (Nam Định), Tam Đường (Thái Bình); nhà Lê đối với Lam Kinh (Thanh Hoá), nhà Mạc ngay khi mới lên cầm quyền đã hướng về Cổ Trai – Dương Kinh. Song, đối với nhà Mạc, Cổ Trai – Dương Kinh không chỉ là quê hương, căn cứ địa, là nơi có lăng phần liệt thánh để tôn vinh dòng họ, mà hơn thế nữa, Dương Kinh còn có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Vương triều Mạc, nó nổi lên như một kinh đô thứ hai có ý nghĩa sống còn với triều Mạc và mang tính chất như một đô thị ven sông, ven biển đầu tiên của Việt Nam.

Tiếc rằng, tại làng Cổ Trai xưa, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ ngày nay không còn dấu tích của một Dương Kinh tráng lệ thuở nào trên mặt đất, ngoài một số tấm bia đá, tượng thờ, thềm rồng … ở các ngôi đền chùa thuộc các xã lân cận. Điển hình như bia chùa Cối Sơn (xã Đại Lộc); bia chùa Trúc An (xã Du Lễ); bia, tượng và thềm rồng ở chùa Phúc Linh (xã Đại Hà); bia và tượng ở chùa Thiên Phúc (Hoà Liễu, Tuần Thiên); hay bia ở đền Mõ (xã Ngũ Phúc); bia và tượng ở chùa Trà Phương – Thiên Phúc Tự (xã Thuỵ Hương)… Có thể nói, đây là những tư liệu quý, góp phần đáng kể trong quá trình nghiên cứu về Dương Kinh nhà Mạc nói riêng và lịch sử, văn hoá, nghệ thuật thời Mạc nói chung.

Chắc chắn, nếu được đầu tư nghiên cứu lâu dài, bằng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, một Dương Kinh tráng lệ thuở nào của nhà Mạc sẽ dần được tái hiện trong nhận thức của chúng ta.

Nguyễn Ngọc Chất

ko66 | f8bet | ku88 | 9bet | rồng bạch kim | sunwin | sunwin | da88