Đường Láng dài 4.104m, rộng 10m.
Từ ngã tư Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, chạy bên bờ đông sông Tô Lịch, trên đất trại Yên Lãng và phường Thịnh Quang, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ.
Tên đường đặt năm 1986.
Nay thuộc 4 phường Láng Thượng, Láng Hạ, Thịnh Quang và Ngã Tư Sở, quận Đống Đa.
Láng là tên nôm của trại Yên Lãng, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam thượng, nhưng đến đầu thế kỷ XIX thì đã thuộc về tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.
Là một cụm cư dân cổ nên vùng Kẻ Láng có nhiều di tích, tất cả đều ở phía đông con đường (vì phía tây là sông Tô). Trên địa phận Láng Thượng có chùa Thưa thờ bà chị của Từ Lộ, chùa Nền thờ bố mẹ Từ Lộ rồi đến chùa Láng thờ Từ Lộ và hậu thân của ông là vua Lý Thần Tông. Truyền thuyết kể rằng Từ Vinh dùng phép thuật lọt vào phòng bà vợ của một hoàng thân nhà Lý và cợt ghẹo bà ta. Ông chồng nhờ sư Đại Điên trừng trị. Đại Điên pháp thuật cao cường hơn Từ Vinh, đã chém Từ Vinh thành ba đoạn vứt xuống sông Tô. Con của Vinh là Từ Lộ đi tìm thầy học đạo và giết được Đại Điên. Sau ông đầu thai làm con của một hoàn thân khác là Sùng Hiền hầu. Do vua Nhân Tông không có con nên đã truyền ngôi cho con của tước hầu này, trở thành vua Nhân Tông. Như vậy Nhân Tông là hậu thân của Từ Lộ. Lộ còn có đạo hiệu là Đạo Hạnh từng tu ở chùa Thày, Quốc Oai, hà Nội. Do vậy cả chùa Thày và chùa láng đến ngày mùng 7 tháng 3 tổ chức hội khá lớn. Riêng hội Láng có tính chất thuật lại cuộc chiến Từ Lộ – Đại Điên và là hội của sáu bảy làng ở hai bên bờ sông Tô: bên bờ tây là làng Vòng, làng Cót, làng Mọc; bên bờ đông ngoài ba làng Láng còn cả làng Thành Công cùng tham gia hội. Ngoài ra ở xóm Cầu Cót bên phía phải còn có đền Ngọ.
Sang đia phận Láng Trung có đền Đại ở ngay cổng làng, chùa Mứng ở cuối làng (có thể là trên đất Láng Hạ nhưng thực tế là chùa của Láng Trung), đặc biệt ở phía đông làng có Gò Cả mà năm 1940 quân đội Pháp đã dựng một pháo đài với ba khẩu pháo 75mm và bốn khẩu cao xạ (xem mục Pháo đài Láng).
Còn ở Láng Hạ thì ở đầu làng có đình Ứng Thiên thờ Hậu Thổ phu nhân, tương truyền đã “âm phù” vua nhà Lý trong chuyến chinh phạt phía Nam, song nhiều nhà dân tộc học cho đó là nữ thần Đất. Ngoài ra đình còn thờ Cao Sơn, công chúa Vĩnh Gia, hoàng tử Linh Lang và Từ Lương Tôn Thần. Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1980. Đình được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Ở lối sang Cống Mọc còn có miếu Vô Vi (có lẽ là một nơi thờ phụng của Đạo Giáo?). Chỗ nay là trường Lê Hồng Phong vốn là khu nghĩa trang Quảng Thiện thời Pháp thuộc.
Trong ba thôn này thì Láng Thượng Và Láng Trung trồng nhiều rau, đặc biệt là rau hung rất nổi tiếng. Còn Láng Hạ thì lại thả rau muống dọc sông Tô.
Qua nhiều lần thay đổi địa giới, từ 3 thôn Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ, trở thành hai phường Láng Thượng và Láng Hạ như hiện nay.