Nguyệt thực là gì?
Nguyệt thực là hiện tượng thiên nhiên xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời do bị che khuất bởi Trái Đất.
Nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó.
Nhật thực chỉ có thể được nhìn thấy từ một khu vực nào đó tương đối nhỏ trên thế giới. Khác với hiện tượng này, nguyệt thực có thể được nhìn từ bất cứ nơi nào ở nửa tối của Trái Đất.
Nguyệt thực thường kéo dài trong vài giờ, trong khi nhật thực toàn phần chỉ kéo dài trong vài phút do kích thước nhỏ hơn của bóng Mặt trăng.
Nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần
Có 3 khái niệm liên quan đến nguyệt thực là nguyệt thực nửa tối, nguyệt thực một phần và nguyệt thực toàn phần.
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng nửa tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ mờ và Mặt Trăng sẽ mờ và tối đi.
Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng bị khuyết đi một phần. Có thể nhìn thấy bóng của Trái Đất màu đen (hoặc màu đỏ sẫm) đang che khuất Mặt Trăng.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm.
Nguyệt thực 8/11 xuất hiện vào lúc nào?
Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu xuất hiện vào lúc 17h16 giờ Việt Nam và kết thúc vào lúc 20h55. Thời điểm quan sát nguyệt thực dễ nhất là sau 18h00 tối, khi Mặt Trăng đã lên cao so với đường chân trời.
Khu vực có thể quan sát nguyệt thực
Nguyệt thực 8/11 sẽ diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Người dân ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có thể quan sát hiện tượng này. Tuy vậy, việc quan sát nguyệt thực sẽ phụ thuộc vào tình trạng thời tiết.
Theo Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), trong chiều tối nay, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đều có mây, đêm không mưa. Đây là điều kiện tương đối lý tưởng để quan sát nguyệt thực.
Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mây, đêm không mưa, phía nam có mưa một vài nơi.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Với điều kiện thời tiết như trên, người dân các tỉnh phía nam sẽ gặp bất lợi khi quan sát nguyệt thực toàn phần.
Cách quan sát nguyệt thực
So với các hiện tượng thiên văn khác, nguyệt thực là một trong những hiện tượng dễ quan sát nhất. Người xem không cần dùng đến kính thiên văn mà chỉ cần tìm đến nơi có tầm nhìn thoáng, không gian rộng và ít gặp vật cản để quan sát hiện tượng này.
Tuy vậy, nếu có thể, hãy chuẩn bị sẵn ống nhòm hoặc một kính thiên văn nhỏ để việc quan sát nguyệt thực được rõ ràng và chi tiết nhất.
Trời sẽ trở lạnh tại nhiều nơi trên cả nước vào đêm nay. Do đó, nếu có ý định ra ngoài chiêm ngưỡng nguyệt thực, người xem cần mang đủ áo ấm và những vật dụng, đồ ăn, thức uống cần thiết.
Trọng Đạt