Phố Hàng Bột nay là Tôn Đức Thắng, dài 1,4km, đi từ ngã tư Chu Văn An – Nguyễn Thái Học đến ngã tư La Thành – Khâm Thiên – Nguyễn Lương Bằng. Thuộc: phường Văn Miếu, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 2km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: dọc phố (xe 02, 23, 25, 41), đầu phố Cát Linh (23, 25, 38), cuối phố Khâm Thiên (01, 09, 09CT, 30, 41, 49), Xã Đàn (25, 28, 99)
Lược sử
Hàng Bột là tên một con phố cũ nằm ở phía nam khu vực Hoàng thành. Nay là phố Tôn Đức Thắng, dài 1,4km, đi từ ngã tư Chu Văn An – Nguyễn Thái Học qua các phố Hàng Cháo, Quốc Tử Giám, Cát Linh, Hồ Giám, Đoàn Thị Điểm, Phan Văn Trị, đến ngã phố La Thành – Khâm Thiên và nối vào phố Nguyễn Lương Bằng.
Văn Miếu hồi giữa TK20. Bên trái là phố Hàng Bột.
Trong thế kỷ XX từng có tuyến xe điện Bờ Hồ – Hà Đông chạy qua đây. Tên Hàng Bột còn được đặt cho một phường thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Phường có diện tích 0,31 km², dân số năm 1999 là 16.876 người, mật độ dân số đạt 54.439 người/km².
Cuối thời Lê, phố Hàng Bột nằm trên đoạn đường kinh lý Bắc Nam, từ Cửa Nam thành Thăng Long qua Văn Miếu rồi xuống Ô Chợ Dừa để đi Hà Đông. Cụm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ngay ở đầu phía bắc phố này. Phố chính thuộc địa phận nội thành cũ nhưng kéo dài ra ngoài cửa ô, chạy giữa ranh giới tổng Yên Thành (huyện Vĩnh Thuận) và tổng Hữu Nghiêm (huyện Thọ Xương).
Cuối thế kỷ XIX, dân cư ở phố Hàng Bột còn rất thưa thớt. Một phần khu vực có di chỉ cũ của huyện Thọ Xương được nhượng cho Giáo hội Tây Đàng Ngoài. Tại đây có Nhà thờ Giáo xứ Hàng Bột và Trại trẻ mồ côi Asile de la Soeur Antoine, gọi theo tên bà giám đốc đầu tiên. Phần đường nội thành vì vậy có tên là Rue Soeur Antoine (Phố Xơ Ăng-toan), phần ngoại thành được bưu chính ghi thêm là “prolongée” (kéo dài), dân ta vẫn gọi chung là phố Hàng Bột.
Thập niên 1910, khi phố Khâm Thiên trở thành nơi giải trí ăn chơi thì phố Hàng Bột bắt đầu phát triển những cơ sở sản xuất tiểu thủ công. Phố được mở rộng và đặt đường ray cho tàu điện chạy qua. Từ năm 1936 trở đi, nhà cửa dần dần mọc lên kín cả hai bên phố.
- Ô Chợ Dừa. Panorama ©NCCong 2017
Sau 1954, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức sử dụng tên phố Hàng Bột. Đến năm 1988 lại đổi là phố Tôn Đức Thắng, phần nằm ngoài Ô Chợ Dừa gọi là phố Nguyễn Lương Bằng.
Sân đền Sòng Sơn. Photo ©NCCong 2018
Ngày nay, đó là trục đường giao thông chính đi từ Ô Chợ Dừa đến ngã tư Nguyễn Thái Học, nối vùng tây nam Hà Nội với trung tâm.
Các ngõ cũ
Ngõ Hương Miến từng là tên một thời của phố Hồ Giám ở cạnh Đền Sòng Sơn, số 35 phố Hàng Bột. Cho mãi đến năm 1917, xung quanh Hồ Giám trước cổng Văn Miếu là xóm nghèo Hương Miến với những vườn rau và ao muống. Đến thập niên 1920, nhiều người không có tiền thuê nhà trong nội thành đắt đỏ đã dồn ra ở ngoại thành. Hồ ao sát đường Hàng Bột được lấp dần và trở thành xóm lao động với nhũng mái nhà tranh tre của những người làm các nghề kéo xe bò, xe tay, khuân vác ở ga Hàng Cỏ.
- Vǎn Miếu Môn. Panorama ©NCCong 2014
Có những năm bệnh dịch tả hoành hành dữ (như năm 1936-1937) với lý do nơi đây là xóm ổ chuột thiếu vệ sinh, chính quyền thành phố cho đốt cháy hàng dãy nhà để tẩy uế. Sau đó trên khu đất khai quang, thành phố cắm đất chia lô bán cho nhũng người có tiền xây nhà gạch. Ngõ Hương Miến trở thành ngõ 249 rồi phố 215 nơi có nhiều công chức, mỗi người mua một mảnh không rộng làm nhà nhỏ một tầng để ở. Phố 215 sau đổi tên là phố Hồ Giám, ăn thông sang ngõ Thông Phong bằng một đoạn rẽ ngang hình thước thợ.
Ngõ Thông Phong có lối vào ở cạnh số nhà 61 phố Hàng Bột và một lối khác. Xưa kia nơi đây có một xóm nghèo ở ven Hồ Giám, từ năm 1920 trở thành một phố nhỏ với những ngôi nhà thấp và hẹp. Sau này dần dần dân làng đã san lấp ruộng trũng, ao rau muống và tôn nền để làm nhà, người ngoài phố cũng vào mua đất xây nhà để ở hoặc cho thuê. Nhà gạch thay dần nhà lá.
Ngõ Văn Hương ở cạnh số nhà 97 phố Hàng Bột. Tên ngõ thừa kế từ tên thôn Văn Hương cũ. Nhà cửa hai bên ngõ chen chúc nhau, hầu hết là nhà một tầng nhỏ hẹp. Vào sâu trong ngõ có nhiều ngách ngang. Phía số chẵn có một cơ sở sản xuất khá rộng, tường bên chiếm một đoạn dài trong ngõ. Đó là khu trại Đỗ Lợi, vừa sản xuất gạch hoa vừa là nơi nuôi ngựa thời trước năm 1945. Đình Văn Hương vẫn còn, nay mang biển số 107. Cuối ngõ Văn Hương có mấy ao rau muống, vườn cây, dần dần cũng biến thành nhà. Từ đây có nhiều lối đi vào làng Linh Quang cũ, thông ra phố Quốc Tử Giám qua ngõ Lương Sử, và rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến ngõ Văn Chương.
Đình Văn Hương
Di tích lân cận
- Bích Câu đạo quán: số 14 phố Cát Linh.
- Chùa Bà Nành (Tiên Phúc Tự): số 27 phố Văn Miếu.
- Chùa Huy Văn: số 13 ngõ Huy Văn.
- Đền Sòng Sơn: số 35 phố Tôn Đức Thắng.
- Đình Nam Đồng: số 73 Nguyễn Lương Bằng.
- Văn Miếu: số 58 phố Quốc Tử Giám.
©NCCông 2017-2019, Hang Bot (Flour) street