Nhắc đến làng Phượng Mao, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa), ta nhớ đến vùng đất chèo nổi danh khắp xa gần. Không chỉ vậy, được bồi đắp bởi phù sa sông Mã cùng quá trình lập dựng lâu đời, Phượng Mao còn là vùng đất cổ mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, nét đẹp văn hóa được lưu giữ, bảo tồn đến tận ngày nay.
Năm 1991, đình làng Phượng Mao đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Khánh Lộc
Nếu ví văn hóa xứ Thanh như một bức tranh đa sắc, ở đó mỗi vùng miền, làng quê góp một nét vẽ, một gam màu, thì làng Phượng Mao chính là nét vẽ vừa mộc mạc, dung dị mà không kém phần rực rỡ, giàu giá trị. Viết về làng Phượng Mao, sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Phượng giới thiệu: Thiên nhiên tươi đẹp, có dòng sông Mã chảy qua, hàng nghìn năm trước đã bồi tụ phù sa, tạo nên vùng đất đai màu mỡ, phì nhiêu, lại là đầu mối giao thông quan trọng trong suốt nhiều thế kỷ nên dân cư tập trung về đây, khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp… hàng trăm nghề cứ đua nhau phát triển. Thời Tây Sơn, sau khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, trên đường trở về Phú Xuân (Huế) có qua làng, đến nay còn lưu lại những câu thơ “Tùng tùng trống đánh trước làng/ Chợ Già trước mặt, quán Mau bên đàng/ Qua Chiêng xuống bến sang Giàng/ Qua làng Đông Thổ đi về Đình Hương”.
Theo sử liệu còn lưu, làng xưa kia có tên gọi Tuấn Mao (Mau), đến thời Nguyễn được đổi tên thành Phượng Mao. Làng Phượng Mao được lập dựng vào khoảng thế kỷ XV do nhị vị thành hoàng làng vẫn được người dân tôn kính gọi là Linh Thông tôn thần và Linh Quang tôn thần, đã có công chiêu dân, lập làng.
Dựa theo các sắc phong còn lưu tại đình làng Phượng Mao, hậu thế biết thêm: Hai vị thành hoàng làng Phượng Mao năm xưa là tướng nhà Lê, có nhiều công lao trong việc chống giặc, phò vua giúp nước. Khi về triều được nhà vua ban thưởng, hai ông đã xin đến vùng đất Phượng Mao khai hoang lập làng, chiêu dụ dân ly tán tứ phương, từng bước lao động hăng say, xây dựng nơi đây trở thành một làng quê trù mật. Sau khi hai ông mất, được triều đình ban sắc phong và Nhân dân tôn kính suy tôn thành hoàng làng thờ phụng. Cũng theo truyền thuyết dân gian, nhị vị thành hoàng làng Phượng Mao thường hiển linh giúp dân và phù trợ các triều vua Lê về sau trong những lần viễn chinh đánh giặc. Trước đây tại làng Phượng Mao có đến 36 đạo sắc phong của các triều vua, đến nay còn lưu giữ 23 đạo sắc phong. Nội dung các sắc phong chủ yếu ngợi ca công lao của hai vị thành hoàng làng Phượng Mao, đồng thời hướng dẫn người dân việc phụng thờ.
Cũng theo người dân Phượng Mao, xưa kia việc thờ phụng hai vị thành hoàng làng diễn ra tại nghè. Trải qua biến thiên thời gian cùng bom đạn chiến tranh khiến nghè thờ bị phá hủy, người dân rước các vị tôn thần về thờ phụng tại đình làng. Năm 1991, đình làng Phượng Mao đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến nay, tại di tích đình làng Phượng Mao, ngoài 23 sắc phong thì còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối ngợi ca đất và người nơi đây. Ông Tô Văn Tước, Bí thư chi bộ thôn Phượng Mao tự hào: “Phượng Mao là vùng quê có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Xưa kia trong làng có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc, văn hóa như đình, nghè, chùa… là điểm tựa tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương. Cùng với việc chăm chỉ lao động phát triển kinh tế, dựng xây quê hương đất nước, người dân Phượng Mao rất chú trọng việc giữ gìn truyền thống, nét đẹp văn hóa cha ông. Hàng năm, vào tháng 2 âm lịch, người dân Phượng Mao lại nô nức trở về đình làng tổ chức lễ hội kỳ phúc. Lễ hội vừa là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn với các vị thành hoàng làng cùng tiền nhân, đồng thời cầu mong những điều tốt đẹp, cuộc sống ấm no đủ đầy”.
Cũng theo Bí thư chi bộ làng Phượng Mao, ngoài các di tích, lễ hội thì một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống được người dân Phượng Mao ý thức việc kế thừa, giữ gìn và phát huy, đó là hát chèo: “Ở Hoằng Hóa có nhiều làng quê người dân biết hát chèo, nhưng có lẽ hát hay, hát say và hát “chuyên nghiệp” hơn cả thì phải là Phượng Mao. Không quá lời khi nói rằng, ở Phượng Mao từ em bé đến người già, ai cũng có thể ngân nga dăm ba câu chèo “í ơi, tang tình”. Tự hào hơn, cũng nhờ hát chèo mà Phượng Mao đã có cố nghệ nhân Tô Quốc Phương và chị Nguyễn Thị Oanh đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú”.
Thật tình cờ, khi tôi đang trò chuyện cùng bác bí thư chi bộ bên trong đình làng thì nghe ngoài sân đình tiếng hát chèo cất lên: “Đường về quê lúa hôm nay/ Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi/ Quê em có từ bao đời/ Phượng Mao em đó là nơi hát chèo…”. Bước vào trong đình, người phụ nữ lại cất lời: “Thời tiết này phơi lúa thì thích thật nhưng mà nắng nóng quá cũng “hao” người… ôi, bác bí thư cũng đang ở đây à, lại còn có khách nữa…”. Lúc này, tôi mới nhìn kỹ gương mặt người phụ nữ thôn quê, dù lam lũ mà chất phát, hồn hậu và tươi vui. Qua giới thiệu tôi mới biết bà tên Thiều Thị Thúy, một thành viên của CLB hát chèo Phượng Mao. “Tôi năm nay 70 tuổi rồi, nhưng vẫn thích hát chèo lắm. Ngày nhỏ đi theo các bà, các mẹ ra sân đình nghe chèo rồi yêu và “thấm” khi nào không hay. Ở Phượng Mao, chèo là “di sản” cha truyền con nối. Ở làng hiện nay, nhiều người trẻ hát chèo hay lắm, như: Nguyễn Thị Lan, Hàn Thị Tài, Tô Thị Thêm, Hàn Hải Vịnh, Hàn Thị Thư… CLB hát chèo Phượng Mao chúng tôi nhiều lần tham gia các hội thi, liên hoan cấp huyện, tỉnh… lần nào cũng đạt giải cao”.
Trong sự phát triển của xã hội, làng quê Phượng Mao cũng đã nhiều đổi thay. Là những con đường làng sạch sẽ, phong quang, nhà cửa khang trang… song đáng mừng hơn, Phượng Mao thay đổi phát triển đi cùng với việc phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời.
Khánh Lộc