Muốn trở thành người đệ tử Phật, đi trên con đường tiến tới giải thoát giác ngộ thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm đó chính là quy y Tam Bảo và thọ trì, thực hành ngũ giới. Để từ đó mở cảnh cửa đầu tiên trên con đường tiến đạo, thâm nhập vào biển giáo lý sâu màu của Đức Thế Tôn.Vậy thế nào là quy y Tam Bảo? Người quy y Tam Bảo có được lợi ích gì thiết thực? Người không giữ được giới có nên quy y Tam Bảo hay không? Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về việc quy y Tam Bảo qua lời chia sẻ của Phật tử Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán).
Tam Bảo là gì?
Người tu học Phật đầu tiên cần tìm hiểu về khái niệm “Tam Bảo”. “Tam Bảo” là một danh từ Hán – Việt, trong đó “Tam” là ba; “Bảo” là quý báu. “Tam Bảo” được hiểu là “ba ngôi báu”. Bảo gồm Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.
1. Phật Bảo
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Đức Phật là bậc đã giác ngộ, vì thế vô cùng cao quý, cho nên gọi là “Phật Bảo””. Chúng ta biết rằng, khi chưa xuất gia Đức Phật là Thái tử con vua, cha là Tịnh-phạn mẹ là Ma-da. Khi thấy thế gian vô thường, thương cho chính mình và cho chúng sinh nên Ngài quyết chí xuất gia tầm đạo. Sau 5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già, 49 ngày đêm ngồi dưới cội cây Bồ-đề Ngài đắc thành quả vị Phật Toàn Giác trên thế gian.
2. Pháp Bảo
Về Pháp Bảo, Cô chia sẻ: “Pháp là lời dạy của Đức Phật, đưa mọi chúng sinh đến chỗ hạnh phúc, an vui, chấm dứt khổ đau. Nếu ai thực hành theo phương pháp mà Đức Phật đã dạy thì sẽ hết mọi khổ đau. Bởi vậy, phương pháp đó là quý báu, cho nên được gọi là “Pháp Bảo””. Giáo Pháp của Phật được gọi là “kim ngôn ngọc ngữ” – lời vàng cao quý mà Đức Phật để lại khi Ngài nhập Niết bàn. Dựa vào giáo Pháp, chúng ta có thể tu học, thực hành giúp chúng ta đến sự giác ngộ, giải thoát. Vì thế, Pháp của Phật được tôn xưng là ngôi báu thứ hai.
Tăng là đoàn thể những người xuất gia, lấy lý tưởng của Phật làm lý tưởng của mình. Chư Tăng cùng nhau tu tập trong một tập thể gọi là Tăng đoàn. Nói về ngôi báu thứ ba này, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Tăng là những người xuất gia đang thực hành giáo Pháp của Đức Phật, thực hành phương pháp khiến cho mình và chúng sinh được đến chỗ hạnh phúc, an vui, chấm dứt đau khổ. Đó là những con người đáng quý, cho nên được gọi là “Tăng Bảo””.
Thế nào là quy y Tam Bảo?
Quy y Tam Bảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với người con Phật. Đây được xem là bước đi đầu tiên trên con đường tu tập theo đạo Phật. “Quy” là quay về, “y” là nương tựa. “Quy y Tam Bảo” hiểu đơn giản là quy về nương tựa Tam Bảo. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Quy y Tam Bảo là quay về nương tựa nơi Tam Bảo, tức là nương tựa nơi bậc giác ngộ là Đức Phật, nương tựa nơi giáo Pháp cứu khổ và nương tựa các vị Tăng tu hành theo giáo Pháp của Đức Phật. Quay về nương tựa Tam Bảo giúp cho chúng ta được thực hành các Pháp khiến cho mình giảm bớt khổ đau”.
Trong bài trạch Pháp “Nương tựa Tam Bảo được lợi ích gì?”, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Nương tựa Tam Bảo là chúng ta nương tựa vào Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo giúp chúng ta chuyển hóa các nghiệp khổ, được hạnh phúc an vui, để chúng ta tồn tại và đứng vững trong cuộc đời này mà không bị gục ngã”. Như vậy, Tam Bảo là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nơi dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi biển khổ. Được quy y Tam Bảo, trở thành người Phật tử là một duyên lành rất lớn trong các kiếp sinh tử luân hồi của chúng ta. Người có duyên quy y Tam Bảo phải biết trân quý và lấy đó làm tiền đề hướng tới giác ngộ, xa lìa tham, sân, si, thoát khỏi mọi đau khổ.
Quy y Tam Bảo được lợi ích gì?
Chúng ta biết rằng, Tam Bảo là quý báu, là tôn quý. Nhờ có Tam Bảo mà chúng ta mới có được phương pháp để hóa giải những ải khổ, bi thương cho mình. Tam Bảo như nguồn ánh sáng le lói trong đêm tối của người đi tìm đường. Quy y Tam Bảo, nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng không chỉ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích trong cuộc sống thực tại mà còn hướng ta đạt đến giác ngộ, đạt được an vui hạnh phúc tuyệt đối.
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Đức Phật là bậc đã giác ngộ, đã thực hành các Pháp để đạt tới hạnh phúc tối hậu, không còn khổ đau. Chúng ta nương tựa Phật, tức là chọn Đức Phật là người Thầy của mình. Pháp Bảo là những phương pháp mà Đức Phật đã dạy, giúp chúng ta áp dụng vào trong đời sống khiến chuyển hóa khổ đau. Cho nên, trong tất cả mọi việc chúng ta đều nương tựa vào Pháp Bảo. Ví như khi có bất cứ việc gì ở đời, chúng ta thường tìm đến người này, người kia để hỏi về một quan điểm: Làm sao cho chúng ta được hạnh phúc, an vui? Làm sao cho chúng ta được hết khổ. Cho nên, chúng ta chọn Đức Phật là người để chúng ta hỏi câu này và lấy giáo Pháp của Phật để trả lời câu hỏi đó. Còn Tăng là những người xuất gia đang thực hành Pháp của của Phật để có được hạnh phúc, an vui. Chúng ta nương tựa Tăng để nhìn thấy tấm gương của những người xuất gia đang thực hành Pháp, chứng nghiệm về hạnh phúc và an vui thì chúng ta mới tin Phật và tin Pháp được. Hoặc, dù chúng ta tin Phật, tin Pháp rồi, nhưng chúng ta chưa hiểu về lời Phật dạy, chưa có ai dạy cho chúng ta biết được rõ ràng. Cho nên, chúng ta phải hỏi những người đã thực hành, tức là nên hỏi chư Tăng – những vị đã xuất gia. Từ đó, chúng ta sẽ học được lời Phật dạy, được hướng dẫn cách thực hành giúp chúng ta bớt khổ, đạt được an vui”.Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ, có câu chuyện quy y Tam Bảo của ông trời Đế Thích chuyển hóa nghiệp phải làm lừa. Khi ông Đế Thích thấy mình bỗng nhiên mất đi năm đức tướng nên tự biết thọ mạng của mình sắp hết. Vị Đế Thích cũng biết sau khi chết sẽ đọa làm thân con lừa ở nhà một người thợ làm gốm nên hết sức buồn lo. Đế Thích suy nghĩ rằng trong ba cõi chỉ có Phật mới cứu độ được khổ ách cho chúng sinh nên vội tìm đến chỗ Đức Phật đảnh lễ, chí tâm quy y Phật, Pháp, Tăng. Trong khoảng thời gian cúi mình làm lễ thì ông bị mạng chung, thần thức tái sinh nhập vào thai con lừa. Nhưng do phước báu của ông tăng trưởng sau khi phát nguyện quy y khiến con lừa không thể chứa nổi phước của ông nên nó giật mình, chạy loạn làm hỏng số đồ gốm chưa nung khiến người chủ nổi giận, đuổi đánh làm con lừa bị sảy thai. Thần thức vua Đế Thích do đó liền thoát khỏi thân lừa, quay về thân cũ, trở thành Đế Thích như xưa. Khi ấy, Đức Phật liền tán thán: “Lành thay, này Thiên Đế! Ông có thể đến lúc sắp mạng chung biết quy y Tam Bảo, tội nghiệp đã trả xong, không còn thọ khổ báo nữa”.
Làm sao để biết mình có tâm nương tựa Tam Bảo?
Khi phát nguyện quy y Tam Bảo, chư Tăng sẽ nhắc nhở các Phật tử chúng ta ba lời nguyện rằng: “Quy y Phật, không quy y Thiên, thần, quỷ, vật. Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo, tà giáo. Quy y Tăng, không quy y thầy tà, bạn dữ”. Tức là khi đã chân thật quy y thì chúng ta sẽ một lòng nương tựa vào Tam Bảo, không nương tựa vào bất kỳ một đối tượng nào khác. Khi ta khẳng định được lập trường như vậy tức là ta đã có lòng nương tựa vào Tam Bảo. Vậy để biết mình đã có lòng nương tựa vào Tam Bảo hay chưa cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Muốn biết mình có nương tựa Tam Bảo hay không, chúng ta hãy xét xem: Khi có một vấn đề gì xảy ra đối với chúng ta hoặc có một vấn đề gì thắc mắc về các quan điểm, cách hành xử, về mọi lĩnh vực,… chúng ta có hướng tâm tới giáo Pháp của Phật hay không? Có hướng tâm tới giới hay không? Có hướng tâm về người Thầy dạy đạo cho mình hay không? Tư duy như vậy, chúng ta sẽ biết mình có nương tựa hay không nương tựa; và nương tựa nhiều hay nương tựa ít”.Trong một bài giảng khác, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Người quy y Tam Bảo nhất tâm là từ nay trở đi không tin ai ngoài Phật, không làm việc gì ngoài giáo Pháp của Phật, không hỏi ai ngoài hỏi Tăng đoàn, không hộ trì ai ngoài hộ trì Tăng đoàn. Người như thế sẽ được vào dòng giải thoát”.
Không giữ được giới có nên Quy y Tam Bảo hay không?
Chúng ta biết rằng, người Phật tử khi quy y Tam Bảo cần sống đúng với đạo đức của một người con Phật. Muốn trở thành một Phật tử chân chính cần thực hành theo 5 điều đạo đức của người tại gia hay còn gọi là giữ 5 giới (gồm có: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa nghiện ngập). Việc sống đúng theo 5 điều đạo đức không có nghĩa là bị trói buộc, bị mất quyền tự do cá nhân, mà người Phật tử khi quy y Tam Bảo, sống đúng 5 giới để hoàn thiện nhân cách; đồng thời, giúp bản thân được tăng trưởng phước báu, bỏ ác hành thiện, sống an vui, hạnh phúc. Trước nhiều thắc mắc có nên quy y Tam Bảo khi gia duyên ràng buộc, khó giữ được trọn vẹn năm giới, Cô Phạm Thị Yến lý giải: “Phước báu được sinh ra là do mình không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa, nghiện ngập. Nếu mình không giữ những điều đó thì mình không được phước, chứ cũng không tổn phước. Nếu như mình không sát sinh thì mình sẽ được phước; nếu mình sát sinh thì sẽ chịu quả báo tương ưng, chứ không phải vì quy y Phật nên sát sinh thì quả báo sẽ nặng lên. Cho nên, giới của Phật chỉ cảnh báo chúng ta nếu làm những điều này sẽ bị quả báo, chứ không phải quy y Phật, phạm giới thì tội hơn hơn”. Như vậy, chúng ta biết rằng, mọi thứ đều vận hành theo luật nhân quả, và nhân quả không thiên vị ai. Đức Phật chế ra giới là để chúng ta thực hành được lợi ích. Quy y và giữ giới của Phật giúp chúng ta tăng trưởng phước báu, biết tỉnh giác và tránh xa những điều xấu ác.Quy y Tam Bảo chính là tu sửa đạo đức bằng việc thọ trì năm giới mà Đức Phật đã dạy. Từ việc thực hành năm giới, làm các việc thiện sẽ giúp chúng ta được an vui, hạnh phúc, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Hy vọng bài viết về quy y Tam Bảo trên đây sẽ giúp quý Phật tử và quý độc giả có thêm những hiểu biết căn bản trong hành trang bước đầu học Phật, để từ đó có thêm niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo tôn quý, đạt được nhiều lợi ích trong tu tập Phật Pháp.
Các bài nên xem:
- Quy y Tam Bảo ở chùa Ba Vàng rồi thì có được đi lễ chùa khác không?
- Những hình ảnh quý giá về sự tu tập trong rừng của chư Tăng chùa Ba Vàng
- Tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca qua 37 bức tranh tại chính điện chùa Ba Vàng (Phần 2)