Họ là ai?
I) Năm 2014, Huỳnh Thái Ngọc, cậu thanh niên sinh khi ấy mới 20 tuổi, trong một buổi đêm đã vẽ một con vật thật đơn giản và dễ tô màu rồi đăng lên Facebook.
Thật bất ngờ khi ngủ dậy, nhân vật đó nhận được lượt yêu thích, chia sẻ tăng vọt. Sự tương tác và nổi tiếng của “con vật đơn giản” mang tên Thỏ Bảy Màu cứ thế tăng dần lên.
Đến nay, chú Thỏ tinh ranh, hài hước, thi thoảng “xéo xắt” đã trở thành nhân vật hư cấu có lượng người theo dõi cao hàng đầu trên mạng xã hội Việt Nam với 3,8 triệu followers.
Cuộc sống của Huỳnh Thái Ngọc, cha đẻ Thỏ Bảy Màu (viết tắt T7M), nhờ vậy cũng có một bước ngoặt lớn.
Khi mới đến với hội họa, Ngọc chỉ đơn giản tò mò, những nét vẽ có thể biểu đạt được điều gì? Thế rồi, cậu phát hiện ra, vẽ là hình thức tuyệt vời để mô tả suy nghĩ của bản thân một cách sinh động và trực quan.
Ngọc dùng một con vật, thay mình biểu đạt suy nghĩ và cảm xúc với thế giới. Dần dần, những điều chàng trai trẻ muốn chia sẻ với mọi người không chỉ là hình ảnh hay câu nói rời rạc, mà tiến triển lên thành những đoạn hội thoại.
Những câu chuyện cứ thế ra đời, từ ngắn đến dài, từ truyện tranh đến hoạt hình.
Thỏ Bảy Màu đã bước từ trang giấy lên màn hình, trở thành nhân vật hoạt hình có lượng người hâm mộ nhất định. Trong suốt quá trình đó, “cha đẻ” của Thỏ nhận thấy có hai vấn đề.
Đầu tiên là vấn đề kinh phí. Giống như Ngọc mượn lời Thỏ, chia sẻ “Sản xuất một tập hoạt hình xịn xò rất tốn kém và cần đầu tư nhiều thời gian. Nếu không có những đơn đặt hàng riêng biệt từ nhãn hàng để quảng cáo, thì Thỏ chỉ có mồ hôi nước mắt chứ hiếm khi có đủ kinh phí để làm ra một tập phim hoạt hình”
Bên cạnh đó, Ngọc chưa thỏa mãn với chất lượng những thước phim đã sản xuất. Cậu vẫn luôn muốn kết hợp với đội ngũ sản xuất phim hoạt hình chuyên nghiệp để “nâng tầm” Thỏ Bảy Màu.
II) Leo Dinh (sinh năm 1990) và Nguyễn Tiến Sơn (sinh năm 1992), hai người trẻ có cùng niềm đam mê về phim hoạt hình gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2018. Họ cùng làm việc tại Red Cat Motion và sau này là Sun Wolf Animation Studio (viết tắt: SWA).
Sản phẩm hợp tác thành công nhất của Leo Dinh và Sơn cho đến hiện tại là dự án U Linh Tích Ký Bột Thần Kỳ.
Đây là một phim hoạt hình ý tưởng, do Leo Dinh làm đạo diễn và SWA sản xuất. Bộ phim nhận được những phản hồi tích cực khi công chiếu tại các liên hoan phim quốc tế như liên hoan phim ITFS lần thứ 29, liên hoan phim SIFF lần thứ 48 và sắp tới là liên hoan phim Fantasia.
Bộ phim hoạt hình dài hơn 7 phút này dù mới chỉ là viên gạch đầu tiên trong dự án dài hơi Hành Trình Nhân Quả của SWA nhưng đã khiến nhiều người phải có cái nhìn khác về chất lượng phim hoạt hình Việt Nam.
*Phim hoạt hình ý tường ( Proof of Concept) là một khái niệm còn khá mới với khán giả Việt Nam, trong đó phim ngắn giúp khắc họa cho khán giả ý tưởng ban đầu về thế giới, nhân vật, hình ảnh, đồ họa, kỹ thuật diễn xuất mà đội ngũ sẽ ứng dụng cho các dự án phim hoạt hình tiếp theo của mình
Cú bắt tay vì đồng điệu
Năm 2021, trong những ngày dài đằng đẵng giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid, Nguyễn Tiến Sơn tình cờ xem tập phim “Thỏ Bảy Màu và người yêu mới của chị Xô” trên Youtube.
Thấy thú vị, Sơn hào hứng đem video khoe với bạn bè để rồi nhận ra ” Bạn bè xung quanh mình đều biết Thỏ Bảy Màu, chỉ mình là không ” Sơn cười, nhớ lại.
Sơn đặc biệt ấn tượng với cách làm phim của Huỳnh Thái Ngọc và ngay lập tức tìm hiểu về cái tên này. Sơn đọc tất cả những bài viết có liên quan đến Ngọc và bằng giác quan của người làm nghệ thuật, cậu nhận ra tầm nhìn của họ có sự đồng điệu.
Cũng trong tối đó, Leo Dinh nhắn tin cho Sơn: “Sơn, rủ Ngọc làm phim đi em”.
Khi liên hệ với Ngọc, Sơn nhận ra anh chàng này cũng đang loay hoay tìm hướng cho phim hoạt hình T7M. Sự đồng điệu mà họ tìm thấy ở nhau đó là quan điểm về làm phim hoạt hình. Không đặt nặng những thông điệp giáo dục, bài học cuộc sống, với các cậu, phim hoạt hình trước hết phải đáp ứng nhu cầu giải trí.
“Bài học rút ra nên để tự mỗi người tự suy ngẫm. Chúng mình sẽ không đưa quá nhiều thông điệp, mà chú trọng làm sao để bộ phim hấp dẫn nhất. Một bộ phim thành công, theo mình, phải được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả”, Sơn bày tỏ.
Fan của Thỏ đa số là người lớn
Tháng 6, năm 2022, Sun Wolf Animation Studio ra đời với hai Founder là Leo Dinh, Tiến Sơn cùng một đội ngũ sản xuất hùng hậu. Họ là những chàng trai, cô gái yêu thích phim hoạt hình và có khát vọng cháy bỏng muốn được làm phim hoạt hình của riêng mình.
Mục tiêu chung của họ là tập trung sản xuất một series dài tập Hoạt hình Con Thỏ với các nhân vật Thỏ Bảy Màu, ông Năm, chị Xô,… trong năm 2023.
Cần nhắc lại rằng, trước khi hợp tác với SWA, Huỳnh Thái Ngọc đã cùng các cộng sự bắt đầu sản xuất phim hoạt hình T7M từ năm 2021. Đến nay đã có 9 tập phim hoạt hình Thỏ Bảy Màu được phát trên Youtube với 1,2 triệu người đăng ký kênh Youtube.
” Fan của Thỏ đa số là người lớn, tuổi từ 18 – 24. Có nhiều khán giả ở độ tuổi trên 30 cực kỳ yêu thích nhân vật này, đặc biệt là bạn bè xung quanh mình “, Sơn cho biết.
Một con thỏ tai dài, mắt đen tròn, bề ngoài ngây thơ nhưng lại “ác khẩu”. Thỏ hay nói ra những lời “sát thương” nhưng cũng rất đáng suy ngẫm.
Chẳng hạn, Thỏ nói với anh Xô: “Làm người tốt là con đường cua gái duy nhất của mấy người nghèo như anh mà”, Thỏ nói với ông nội: “Không biết sao nhưng dân mạng quy định im lặng là nhận tội đó nha ông”.
” Với những người trưởng thành đang phải sống trong một xã hội mà bất kỳ hành động hay phát ngôn nào cũng sẽ bị đánh giá thì nhân vật Thỏ giống như tiếng nói bên trong mỗi cá nhân, được nói ra tất cả suy nghĩ một cách thoải mái “, Nguyễn Tiến Sơn nói về nhân vật Thỏ.
Tuyến nhân vật “quen mặt” của bộ phim bên cạnh Thỏ Bảy Màu còn có ông nội Năm, chị Xô và anh Quăn. Cái “lạ” của các nhân vật là họ không được xây dựng một cách lung linh, hoàn hảo mà rất…đời.
Nhân vật ông nội Năm khiến nhiều độc giả nhớ đến ông bà ở quê, với tình yêu thương vô điều kiện, dù ngoài miệng cằn nhằn nhưng luôn mở rộng vòng tay che chở các cháu.
Quăn là chàng trai chạy Grab, ở nhà trọ, nghèo nhưng yêu Xô chân thành. Còn Xô là cô gái mơ mộng về tình yêu và luôn ước mơ gặp được bạch mã hoàng tử.
Các chi tiết, tình huống và bối cảnh trong phim khá hài hước. Chẳng hạn, chi tiết Xô nằm trên giường bệnh, bịch nước truyền tĩnh mạch của cô nàng nhìn ra là… trà sữa trân châu. Hay chiếc laptop ông Năm dùng để livestream có logo…củ cà rốt cắn dở thay vì trái táo khuyết của Apple.
Bên cạnh bình luận tích cực về những tập phim T7M đã sản xuất, cũng có ý kiến cảm thấy chưa hài lòng.
Vũ Hoa, 30 tuổi, sinh sống tại Hà Nội cho biết: ” Cá nhân mình thấy kịch bản còn chưa đủ hấp dẫn, hơi lê thê, thiếu một chút thông minh trong nội dung khiến người xem phải trầm trồ. Nói chung, các chi tiết còn khá gượng “.
Giấc mơ góp tay “nâng tầm” cho phim hoạt hình Việt Nam
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Tiến Sơn, Co – Fouder của Sun Wolf Animation Studio, kiêm nhà sản xuất dự án phim hoạt hình con Thỏ.
Xin chào Tiến Sơn. Đã 4 tháng kể từ khi SWA hợp tác với Huỳnh Thái Ngọc, tại sao các bạn chưa ra mắt tập phim Thỏ mới nào?
Mặc dù cùng chung mong muốn đưa hoạt hình Thỏ lên tầm cao mới nhưng khi mới bắt đầu, SWA và Ngọc cũng mất một thời gian để hiểu cách làm việc của nhau.
Sau khi có định hướng thì tụi mình bắt đầu làm test để ra được một quy trình chuẩn chỉnh, phong cách phù hợp và tiến hành sản xuất.
Khoảng thời gian này khá lâu, mất khoảng 2 tháng.
Ngọc là người cầu toàn và tâm huyết trong từng sản phẩm, đó là nguyên nhân giúp Thỏ Bảy Màu được “viral” như hiện tại, nên phần kịch bản cũng được trau chuốt kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, để xây dựng một đội ngũ làm ra hoạt hình chất lượng không hề đơn giản, và quá trình đào tạo cũng mất rất nhiều công sức.
Sau khi giải quyết được 3 vấn đề trên thì bắt đầu đến thời điểm chúng mình thiếu tiền (cười).
“Thiếu tiền” có phải là lý do mà mới đây các bạn gọi vốn từ cộng đồng người hâm mộ đúng không?
Đúng, nhưng cũng không đúng. Mình khẳng định là không phải tụi mình không có khả năng tìm nguồn vốn tài trợ từ các nguồn khác nhưng chúng mình muốn cùng các bạn (Người hâm mộ của T7M) góp sức làm nên một series phim hoạt hình của Việt Nam.
Ngoài thu tiền từ Youtube thì nhận quảng cáo cho nhãn hàng cũng là một trong những cách “kiếm tiền” phổ biến từ phim hoạt hình?
Đúng. Ở Việt Nam chưa có phim hoạt hình ra rạp, chủ yếu phát trên Youtube và doanh thu đến từ lượt xem và quảng cáo trên Youtube.
Sẽ có bên sản xuất nội dung đi theo con đường lấy số lượng bù chất lượng để đạt doanh thu. Nhưng đó không phải con đường mà T7M muốn đi.
Chúng mình muốn chau chuốt T7M từng chút một. Mặc dù khi tập trung vào chất lượng, sẽ phải đánh đổi về số lượng sản phẩm cũng như doanh thu trên Youtube.
Về việc nhận quảng cáo cho nhãn hàng, trước đây và cả bây giờ, Ngọc hay tụi mình đều phải cân nhắc, vì sợ ảnh hưởng đến tuyến nội dung phim và chất lượng câu chuyện.
Ngọc là người không thỏa hiệp, cậu ấy đã không ít lần từ chối những lời mời hợp tác hoặc có những hợp đồng bị hủy do không đạt được thỏa thuận về nội dung quảng cáo.
Ngọc yêu quý fan của mình lắm, cậu ấy lo lắng fan sẽ không yêu thích Thỏ nữa. Cậu ấy cũng lo làm thương mại quá, Thỏ sẽ mất đi cá tính riêng.
Mình tâm đắc với câu nói của Ngọc trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh ” Cuối cùng, nhân vật chỉ còn là nơi để thể hiện những mong muốn của đám đông. Điều đó, tôi nghĩ không nên”.
Nói như vậy, với dự án phim con Thỏ lần này, các bạn chấp nhận “hi sinh” doanh thu và lợi nhuận để được làm phim hoạt hình của mình?
Phim hoạt hình Việt Nam thường bị khán giả “chê” và so sánh với phim của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các quốc gia này, nền công nghiệp sản xuất phim hoạt hình đã phát triển hàng trăm năm và có nhiều thành tựu. Vì thế, rất khó để so sánh.
Tụi mình muốn cố gắng tạo nên những sản phẩm chất lượng, giúp người xem thay đổi cách nhìn về phim hoạt hình Việt Nam. Giấc mơ chung của tụi mình là góp sức nâng tầm cho phim hoạt hình Việt Nam.
Suy nghĩ của Ngọc cũng như tất cả tụi mình ” Có người bảo ước mơ này lớn, nhưng quan trọng nhất chúng tôi có sự nỗ lực, cố gắng để biến chúng thành sự thật ”
Với dự án T7M, nói hi sinh thì nghe cao cả quá nhưng tụi mình không đặt nặng vấn đề doanh thu và lợi nhuận lên hàng đầu, mà chỉ tập trung vào việc sản xuất để có thể đưa bộ phim này đến với khán giả sớm nhất.
Quay lại câu chuyện kinh tế, Sơn có thể cho biết chi phí sản xuất của một bộ phim hoạt hình có thời lượng từ 8 đến 10 phút là bao nhiêu tiền không?
Theo kế hoạch sản xuất của SWA, chi phí cho một tập phim có thời lượng từ 8 đến 10 phút khoảng 400 triệu đồng.
Trên thế giới, chi phí làm phim hoạt hình vào khoảng 3.000 USD – 7.000 USD cho 1 phút phim 2D đơn giản, đây là giá gia công chưa bao gồm ý tưởng và kịch bản.
Cũng khá may mắn mình sống ở Việt Nam nên mọi thứ rẻ hơn, giúp tụi mình có thể bớt gánh nặng kinh tế để tập trung vào đam mê (Cười).
Chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất để sản xuất phim có phải là chi phí nhân sự không?
Đúng vậy, chi phí nhân sự chiếm khoảng 60%, còn lại là chi phí marketing, chi phí máy móc, mặt bằng, chi phí âm nhạc,..
Nhân sự để làm nên một tập phim hoạt hình, nhìn vậy chứ rất đông. Ngoài linh hồn của Thỏ là Ngọc, chúng mình còn có nhóm lồng tiếng bao gồm Thủy Tiên, Harvey Nguyễn, Minh Trang…
Về phần âm thanh, có Huy Bò Thái. Mình nghĩ chỉ có Huy mới thể hiện được mong muốn của đạo diễn Ngọc xuất sắc như vậy.
Phía sau tụi mình còn có hậu phương vững chắc là Anh Nghi, bạn ấy đảm nhiệm tìm kiếm khách hàng, làm việc với các đối tác.
Kế đến là tất cả các bạn Artist, Animator, VFX… Mỗi người đều là mảnh ghép không thế thiếu tạo nên phim T7M.
Những người làm sáng tạo thông thường có cái tôi rất lớn. Đã bao giờ các bạn gặp phải bất đồng lớn trong quá trình làm việc chưa?
Chính xác, thông thường mọi người có cái tôi rất cao. Và cần một người thất thường lúc cao lúc thấp để cân bằng, là mình. Vì mình làm producer mà (Cười).
Thường sẽ có các cuộc tranh luận nảy lửa trong nhóm, mình không nghĩ việc này xấu vì nó đóng góp được nhiều ý tưởng khác nhau trong quá trình sản xuất. Mình sẽ luôn lắng nghe ý kiến tất cả mọi người với một cái tôi rất “lùn”.
Khi nhìn ra được một ý kiến thuyết phục được mình thì mình đẩy cái tôi của mình cao lên, nghĩa là quyết định của mình là tuyệt đối không ai được thay đổi.
Đó chắc là công việc mình làm tốt nhất, lắng nghe mọi người để cho tất cả được thoải mái thể hiện, xuất hiện đưa ra quyết định để các cuộc tranh luận không kéo dài quá lâu dẫn đến bất hoà nội bộ. Sau đó trò chuyện với mọi người để động viên tinh thần từng thành viên trong team.
Theo Sơn, điều gì khó nhất để làm nên thành công của một bộ phim hoạt hình?
Đầu tiên là sự cạnh tranh, có rất nhiều nội dung thú vị trên các nền tảng như Netflix, Cartoon Network, Disney… và để một nhà sáng tạo nội dung có thể cạnh tranh với các Studio tầm cỡ như vậy không hề đơn giản.
Vấn đề thứ hai là đội ngũ nhân sự. Dù Việt Nam có nhiều bạn tài năng nhưng để có một đội ngũ cùng chung chí hướng và tâm huyết thì không hề đơn giản. Có rất nhiều sự ưu đãi cho các bạn ở bên ngoài (ngoài lãnh thổ Việt Nam).
Bản thân SWA cũng rất may mắn khi mọi người cùng làm việc với nhau. Mình hi vọng bọn mình sẽ cố gắng cùng nhau đi đến đích dù con đường khá chông gai.
Cuối cùng là vấn đề tài chính, (cười) khá nhạy cảm khi nhắc về vấn đề này nhưng làm một bộ phim rất tốn kém, để xây dựng được SWA như ngày hôm nay bọn mình cũng có hành trình hơn 10 năm làm việc cùng các nhãn hàng để có kinh tế nuôi đam mê.
Trong ngành này, bắt buộc phải có một bộ phim thành công, được sự đón nhận từ khán giả và một chiến lược kinh doanh bài bản mới có thể phát triển lâu dài.
Trong trường hợp không huy động được đủ số tiền mục tiêu để sản xuất, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nếu không gọi đủ vốn, chúng mình sẽ gửi email cho những người đã ủng hộ với hai phương án để các bạn lựa chọn. Một là hoàn trả lại số tiền các bạn đã ủng hộ, hai là các bạn vẫn đồng ý cho phép chúng mình sử dụng số tiền đó để làm phim trong khả năng cho phép.
Còn phim, chắc chắn chúng mình sẽ vẫn làm nha!
Kết
Báo Quân Đội nhân dân tháng 10 năm 2022 dẫn lời TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) đặt ra câu hỏi:
” Theo đánh giá của thế giới, nếu điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy thì phim hoạt hình được công nhận là nghệ thuật thứ tám. Nhiều quốc gia có những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như “Anime”, “Doraemon”, “Bánh mì đám mây”… có số lượng hàng tỷ người xem. Làm sao để chúng ta đạt được đỉnh cao như vậy ?”
Ở những quốc gia như Nhật Bản, đóng góp của phim hoạt hình và sản phẩm liên quan chiếm 5-6% GDP nhưng ở Việt Nam, quy mô sản xuất phim hoạt hình còn rất khiêm tốn.
Đem câu hỏi “Làm sao để chúng ta đạt được đỉnh cao như vậy?” hỏi Nguyễn Tiến Sơn. Cậu chỉ cười và nói ngắn gọn “Làm thôi!”
An Vũ