Những ngày gần đây, người chiếm sóng nhiều nhất chính là cô Nguyệt (nữ diễn viên Hà Hương thủ vai) trong bộ phim “Phía trước là bầu trời” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Hiển nhiên rồi, vì đây là một trong những “thánh thảo mai” nổi tiếng trên giang hồ. Sự thảo mai đến từ cái liếc mắt ngoa ngắt ẩn sau nụ cười tươi hơn ánh Mặt trời khi mẹ người yêu chặt cá bắn vào mình, đến những pha thả thính kinh điển một tay 3 anh. Cả cư dân mạng đã phải quỳ rạp xuống chân Nguyệt, một cách đầy thán phục.
Thế nhưng giờ hỏi câu này thôi: Bạn có biết “thảo mai” nghĩa là gì không? Trả lời đi xem nào!
Ngày nay, từ “thảo mai” được sử dụng rất nhiều. Nhưng để định nghĩa thì không phải ai cũng làm được, nữa là nói về nguồn gốc của từ này.
Thảo mai – từ không có trong từ điển
Thật vậy, ít nhất là theo từ điển Tiếng Việt của trung tâm từ điển học năm 1999. Trong nhiều tài liệu khác cũng không hề có từ này.
Vậy từ thảo mai ở đâu ra? Nguồn gốc của nó thực sự không rõ ràng, với khá nhiều giả thuyết được đưa ra. Trong đó giả thuyết phổ biến và được nhiều người chấp nhận nhất là cô gái trong câu ca dao sau:
“Thảo mai rao bán chỉ vàng
Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh”
Cô gái miệng nói bán chỉ vàng, nhưng thực ra lại bán chỉ xanh. Ý nghĩa của câu này là để châm biếm người thiếu trung thực – hay nói cách khác là giả tạo – trong lời nói và hành động của mình.
Cũng có một giả thuyết khác cho rằng “Thảo Mai” là tên của một cô gái trong tác phẩm nghệ thuật nào đó, với đức tính giả tạo, lả lướt thướt tha gió chiều nào xoay chiều đấy. Vì vậy mà nó trở thành tính từ, gắn với những người có biểu hiện như vậy. Tuy nhiên, giả thuyết này chưa được kiểm chứng, nên không thực sự đáng tin cậy.
Nhưng tóm lại, từ thảo mai ngày nay được sử dụng để chỉ những hành động mang tính chất giả tạo, không thành thực với cảm xúc, hoặc gượng gạo không tự nhiên. Tuy vậy, đôi lúc nó còn được dùng với tính chất trêu đùa nữa, nên tùy từng hoàn cảnh mà có cách hiểu sao cho phù hợp.
Có thể bạn chưa biết: Thảo mai còn là tên loại thuốc trị táo bón
Ít người biết rằng thảo mai còn là tên của một vị thuốc. Loại quả này có hình dạng giống tim gà, màu đỏ, cùi mềm, nhiều nước và có vị chua ngọt, lại khá giàu dinh dưỡng.
Đặc biệt, đây cũng là một vị thuốc dùng trong Đông y, có thể trị thiếu máu, ho phế quản, và cả… chứng táo bón.
Theo GenK