Thường Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá, được thành lập năm 1837 (năm Minh Mạng thứ XVIII) với tên gọi Châu Thường, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi tên là huyện Thường Xuân. Huyện có chung 17 km đường biên giới với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào. Vùng đất cổ Thường Xuân từ ngàn xưa được 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng đoàn kết gắn bó với nhau trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, xây dựng nên bề dày truyền thống văn hoá son sắc, thuỷ chung, thương người – vì nghĩa và tình yêu quê hương đất nước. Những truyền thống tốt đẹp ấy kết thành vùng đất “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, vùng đất đã từng được các bậc quân vương chọn làm hậu cứ, chiêu tập hiền tài để kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Năm 2012, huyện Thường Xuân tròn 175 năm (1837 – 2012). Với truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử vẻ vang của ông cha trên vùng đất đã từng chịu nhiều gian khó nhưng rất đỗi hào hùng – truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Thường Xuân. Một vùng “địa linh” của núi rừng quê Thanh anh hùng bất khuất; sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách ở khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên kỳ thú và công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt – công trình trọng điểm Quốc gia đã hoàn thành. Nhiều di tích văn hoá hấp dẫn khác như: Lũng Nhai – nơi diễn ra hội thề của 18 tướng lĩnh cùng Bình Định Vương Lê Lợi quyết tâm chống giặc Minh thế kỷ XV, Đền Cầm Bá Thước, Đền Mẫu chúa Thượng ngàn… và quần thể khu di tích cách mạng trên đất Thường Xuân. Thường Xuân là một vùng đất cổ, đã qua quá trình hình thành và phát triển hàng ngàn năm lịch sử. Thời thuộc Hán là vùng đất huyện Vô Biên, một phần ít thuộc huyện Cư Phong của quận Cửu Chân, một quận lớn thời kỳ đó. Thời Tam Quốc đến nhà Tuỳ thuộc huyện Di Phong Thời Đường thuộc đất của huyện Trường Lâm Thời Đinh, Lê, Lý vẫn giữ như thời Đường Thời Trần, Hồ và thời thuộc Minh gồm 2 phần thuộc các huyện: – Phần lớn thuộc huyện Nga Lạc (châu Thanh Hoá) – Một phần ít thuộc huyện Nông Cống (châu Cửu Chân). Thời Lê vẫn thuộc đất của huyện Nga Lạc và huyện Nông Cống. Thời Nguyễn và Minh Mệnh thứ 16 (1835) nhập huyện Thọ Xuân cũ (gồm 2 tổng Mậu Lộc và Quân Nhân) vốn là đất của huyện Thường Xuân lệ vào châu Lang Chánh. Huyện Thọ Xuân cũ (miền núi) mất tên (huyện Thọ Xuân cũ không phải là huyện Thọ Xuân bây giờ, lúc đó gọi là huyện Lôi Dương). Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), châu Thường Xuân (còn gọi là Châu Thường) ra đời. Năm Tự Đức thư 3 (1850), bỏ Tri châu do Phủ Thọ Xuân kiêm lý. Thường Xuân lúc này gồm 23 xã, chia làm 4 tổng: – Tổng Nhân Sơn gồm 4 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Sơn Cao (sau đổi là Xuân Khao), Nhân Trầm (gồm nữa xã Xuân Mỹ và nữa xã Xuân Khao) nằm ở phía Tây của huyện. – Tổng Trịnh Vạn có 4 xã: Trịnh Vạn (nay là Vạn Xuân), Lệ Khê (nay là Xuân Chinh và Xuân Lẹ), Mậu Lộc, Thắng Lộc (gồm xã Xuân Lộc, Thắng Lộc). – Tổng Luận Khê có 7 xã: Chu Hoành, Kỳ Pha, Trung Lập (nay là xã Tân Thành), Ngọc Trà, Yên Mỹ, Khê Hạ, La Lũ (nay là xã Luận Khê). – Tổng Quân Nhân gồm 4 xã: Ban Vân, Quân Nhân, Ban Công, Lâm Lư (4 xã này đã cắt về huyện Như Xuân năm 1949). Đến thời Đồng Khánh (1886 – 1888), châu Thường Xuân vẫn do phủ Thọ Xuân kiêm lý, nhưng về địa danh hành chính có một vài thay đổi nhỏ: Cả châu Thường Xuân có 4 tổng 26 xã: – Tổng Quân Nhân gồm 7 xã: Quân Nhân, Hương Cà, Bàn Cống, Phong Huân, Lâm Lư, Tri Giới và Ban Văn. – Tổng Trịnh Vạn gồm 4 xã: Trịnh Vạn, Mậu Lộc, Lệ Khê, Thọ Thắng. – Tổng Luận Khê gồm 7 xã: Kỳ Ban, Trung Lập, La Lũ, Chu Hoành, Khê Hạ, Yên Mỹ và Ngọc Trà. – Tổng Như Lăng gồm 8 xã: Quỳ Thanh (trước là sách Hoa Quỳ, đầu thời Thiệu Trị do kiêng huý chữ Hoa nên đổi thành xã Quỳ Thanh), Tú Thịnh, An Cư, Bát Dân, Hữu Lễ, Cứ Đức, Thượng Cốc và Bát Vân. Sau cách mạng tháng Tám 1945, châu Thường Xuân đổi thành huyện Thường Xuân và giữ nguyên cho đến hôm nay. Đến trước năm 2005, Thường Xuân có 19 xã, 1 thị trấn. Sau 2005, để xây dựng công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt, đã di dời 3 xã: Xuân Mỹ, Xuân Khao, Xuân Liên và thôn Thắm xã Vạn Xuân đưa nhân dân đi định cư tại các vùng kinh tế mới ở trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Thường Xuân có 16 xã, 1 thị trấn (gồm 141 thôn cũ, mới chia tách): – Thị trấn Thường Xuân (có tên từ năm 1988), gồm các thôn cũ là: Ngọc Lâm, Đồng Tâm, Đồng Lực, Quyết Thắng, Tân Long; nay lần lượt gọi là các Khu phố 1, Khu phố 2, Khu phố 3, Khu phố 4, Khu phố 5 và thôn Tân Long. – Xã Bát Mọt (còn gọi là Bắt Mọt hay Bất Một, có tên từ thời Lê), gồm các tên hành chính (trước đây là bản): Hón, Ruộng, Khẹo, Chiềng, Cạn (Mót), Phống, Dưn, Đục, Vịn. – Xã Luận Thành (được thành lập năm 1983), gồm các thôn (xưa là làng, bản): Xuân Minh, Liên Thành và Thống Nhất (xưa là Khê Hạ), Tiến Hưng và Tiến Hưng 2 (xưa là bản Chượng), Sơn Cao (bản Poọng), Cao Tiến (bản Khoán), Thành Thắng (bản Than). – Xã Luận Khê (tên gọi có từ thời Nguyễn), gồm các thôn (xưa là làng, bản): Hún (bản Hôn), Tràng Cát, Buồng, Chiềng, Mơ, Yên Mỹ (bản Mọt), An Nhân (gộp 2 bản An và Nhân), Thắm, Ngọc Trà (bản Muồng), Kha (bản Cả), Sông Đằn và Cửa Dụ (mới lập). – Xã Lương Sơn (tên gọi có sau năm 1945), xưa gồm 17 bản làng, nay sát nhập thành các thôn hành chính là: Ngọc Thượng, Minh Quang, Trung Thành, Lương Thiện, Lương Thịnh, Ngọc Sơn. – Xã Ngọc Phụng (tên gọi có sau năm 1945), gồm các thôn (xưa là các làng): Quyết Thắng, và Xuân Thành (làng Mé), Hưng Long (làng Ván), Xuân Liên (làng Tôm), Xuân Lập, Xuân Thắng, Hoà Lâm, Phú Vinh. – Xã Tân Thành (tên gọi có từ sau năm 1945), gồm các thôn (trước là bản): Thành Nàng (bản Nàng), Thành Lai (bản Lai), Thành Lãm (bản Lãm), Thành Lập (bản Lập), Thành Giỏ (bản Giỏ), Thành Hạ (bản Hạ), Thành Đon (bản Đon), Thành Lấm (bản Lấm), Thành Lợi (làng mới lập sau năm 1960, đồng bào huyện Thiệu Hoá lên định cư). – Xã Thọ Thanh (có tên từ sau năm 1945), gồm các thôn (trước là làng): Thanh Trung, Thanh Trung 2, Thanh Trung 3 (gồm làng Vực và làng Hạ cũ), Đông Xuân (làng Đông), Hồng Kỳ (làng Hồ), Thanh Cao (làng Đìn), Thanh Long (xưa là làng chài), Thanh Xuân và Thanh Sơn (tách từ Thanh Trung cũ). – Xã Vạn Xuân (thành lập năm 1963): gồm các thôn (xưa là bản): Công Thương (bản Tột), Bù Đồn, Lùm Nưa (gộp 2 bản Lùm và bản Nưa), Cang Khèn (gộp 2 bản Cỏ Pạo và bản Cảng), Ná Mén, Ná Cộng, Nhồng, Hanh Cáu (gộp 2 bản Hang va bản Cáu), Khằm, Quạn và thôn Thác Làng (mới lập). – Xã Xuân Cao (tên gọi có từ sau năm 1945), trước Cách mạng tháng Tám 1945 có các làng: Thé, Lù, Kha, Rạch; Nay gồm các thôn hành chính: Xuân Minh 1, và Xuân Minh 2, Xuân Thắng 1 và Xuân Thắng 2, Trung Thành, Nam Cao, Trung Tiến, Thành Công, Quyết Tiến. – Xã Xuân Cẩm (tên gọi có từ sau năm 1945), gồm các thôn (xưa là bản): Thanh Xuân (bản Mạ), Tiến Sơn 1 và Tiến Sơn 2 (bản Đòn), Trung Chính (bản Gắm), Xuân Quang (bản Quan), Xuân Minh (bản Láu). – Xã Xuân Chinh (thành lập năm 1963), gồm các thôn (xưa là bản): Cụt Ạc (gộp 2 bản Cụt và bản Ạc), Tú Tạo, Chinh, Thông, Hành, Xeo, Giang. – Xã Xuân Dương (tên gọi có sau năm 1945), gồm các thôn (xưa là bản): Thống Nhất 1, Thống Nhất 2, Thống Nhất 3 (làng Hún), Xuân Thịnh (làng Thịnh), Vụ Bản (làng Vò), Tân Lập (làng Suội), Tiến Long. – Xã Xuân Lẹ (thành lập năm 1963), gồm các thôn (xưa là bản): Liên Sơn (gộp 2 bản Bèn và Tùm Cũ), Đuông Bai (gộp 2 bản Đuông và bản Bai), Xuân Sơn (gộp 2 bản Cả và bản Soi), Xuân Ngù (bản Ngù), bản Tạn, Bọng Nàng (gộp 2 bản Bọng và bản Nàng), Lẹ Tà (gộp 2 bản Lẹ và bản Ná Tà), Cọc Chẽ (hay Cộc Chẽ, gộp 2 bản Coọc và bản Chẽ), Dài. – Xã Xuân Lộc (thành lập năm 1983), gồm các thôn (xua là bản): Chiềng, Cộc, Vành, Quẻ, Pà-Cầu. – Xã Xuân Thắng (thành lập năm 1983), gồm các thôn (xưa là bản): Xương, Tú, Xem, Đót, Tân Thắng, Dín, Én, Tân Thọ. – Xã Yên Nhân (tên gọi có từ thời Nguyễn), gồm 6 thôn (xưa là bản): Khoong, Mỵ, Chiềng, Na Nghịu, Lửa, Mỏ.