Huyện miền núi Tràng Định được thiên nhiên ưu đãi với thế mạnh nổi trội về sản xuất nông – lâm nghiệp cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Trong những năm qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Đặc biệt là tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư, từ đó tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Khai thác lợi thế
Với quỹ đất lâm nghiệp dồi dào, chiếm khoảng 95% tổng diện tích tự nhiên của huyện, Tràng Định có tiềm năng rất lớn phát triển kinh tế nông lâm nghiệp nhất là trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và phát triển nghề rừng. Một số sản phẩm nông, lâm nghiệp của huyện mang giá trị kinh tế cao đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và khẳng định thương hiệu với người dân trong và ngoài nước như: Gạo bao thai, thạch đen, cây quế, cây hồi,… Trong đó, cây thạch đen sau hàng chục năm được chú trọng phát triển, đến nay đã trở thành cây trồng chủ lực với diện tích bình quân 1.200 – 1.600 ha/năm, cho sản lượng 9.000 – 12.000 tấn/năm, doanh thu trung bình mỗi năm lên tới 150 tỷ đồng.
Với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư ngày 8/12/2020 về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc đang là cơ hội rất lớn cho thạch đen Tràng Định được xuất khẩu chính ngạch góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới khó khăn. Hiện, Tràng Định đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây thạch đen, xây dựng vùng trồng thạch đen theo hướng truy xuất nguồn gốc đảm bảo chất lượng về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo ký kết.
Cùng với đó, huyện Tràng Định là điểm kết nối với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt có đường biên giới dài hơn 51 km tiếp giáp với Trung Quốc (Bằng Tường, Long Châu). Khi các tuyến giao thông ngày càng được đầu tư nâng cấp thì rất thuận lợi cho phát triển hoạt động thương mại – dịch vụ tại khu vực các cửa khẩu như cửa khẩu quốc gia Bình Nghi, cặp chợ Nà Nưa và trung chuyển, giao lưu hàng hóa với các tỉnh bạn Cao Bằng, Bắc Kạn.
Ngoài ra, huyện cũng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm với các điểm du lịch như: Hang Bản Bó; hang Cốc Mười – Khu Pác Lùng Ký Làng (xã Tri Phương); đỉnh Khau Hương (xã Đề Thám); cổng trời thôn Lũng Phầy (xã Chí Minh)… cùng các lễ hội truyền thống, chợ phiên, những bản dân ca, điệu múa dân gian, ẩm thực… mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú. Hiện nay, các điểm du lịch này đã và đang thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm bước đầu đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.
Tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững
Với mục tiêu tạo bước đột phá hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, Tràng Định xác định tiếp tục phát triển kinh tế bền vững dựa trên cơ sở tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với trọng tâm đầu tư hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển bến bãi tập kết hàng hóa, vận tải, du lịch phục vụ xuất nhập khẩu…
Môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện Tràng Định đến nay đã có nhiều cải thiện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tràng Định ưu tiên thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như: quế, hồi, thạch đen. Trong lĩnh vực du lịch, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, xây dựng các khu dân cư mới như Khu dân cư Phai Dài, Khu dân cư Hang Đông, xây dựng tuyến phố ẩm thực Thất Khê và tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.
Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: “Để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Tràng Định, huyện sẽ tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, an toàn, thông thoáng, thân thiện, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong năm 2021”.
Cụ thể, huyện Tràng Định tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã và thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt tại “bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả”… Qua đó nâng cao sự tin tưởng, quan tâm và đồng hành ủng hộ tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của huyện.
Nguồn: Vietnam Business Forum