Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I/2023 là 7 triệu đồng. Được biết, con số này đã tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đối với những người trẻ ở thành phố lớn như Hà Nội, đây có phải là con số đủ để chi trả cho chi phí sinh hoạt hàng ngày?
Lương 7-8 triệu/tháng chỉ đủ trang trải cho nhu cầu cơ bản
Huyền Anh (sinh năm 1999, Hà Nội) đang làm content marketing với mức thu nhập 7-8 triệu/tháng. Cô bạn chia sẻ rằng mức lương 7-8 triệu chỉ có thể trang trải chi phí cơ bản như ăn uống, xăng xe, nhà cửa, hay như mọi người nói là “đủ ăn”. Còn với mức lương này, nếu có mong muốn khác như du lịch, đi tập, mua sắm hay muốn tiết kiệm sẽ khá chật vật.
“Vì mình may mắn sống với bố mẹ nên đỡ khoản tiền nhà. Còn lại mình chỉ phải chi trả cho việc ăn uống, mua sắm và công việc riêng của bản thân. Trung bình 1 tháng, những khoản chi tiêu đó sẽ rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng. Còn với những tháng có đám cưới, sinh nhật nhiều bạn bè hay mua sắm một thứ gì đó đắt tiền, coi như là mình không tiết kiệm được đồng nào”.
Còn đối với Ngọc Linh (sinh năm 1998, nhân viên văn phòng) hiện đang sống 1 mình ở Hà Nội, mức lương 8 triệu/tháng khiến cô bạn rất khó để cân đối chi tiêu. Chỉ riêng tiền thuê nhà đã khoảng 3 triệu/tháng bao gồm tiền điện, nước, wifi. Tức là cô bạn chỉ còn 5 triệu đồng để trang trải cho nhu cầu ăn uống, quần áo, mỹ phẩm,…
“Có những tháng nếu mình đi ăn ngoài với đồng nghiệp và bạn bè nhiều hơn hoặc mua sắm hơi quá tay, cuối tháng mình phải vay mượn mới có đủ tiền để chi trả mọi thứ. Mức sống ở Hà Nội khá cao, là một người trẻ thích giao lưu, trải nghiệm, mức thu nhập 7-8 triệu/tháng rất khó để xoay xở”.
Mặt khác, với Huyền Anh, nếu vẫn giữ mức thu nhập 7-8 triệu/tháng, gần như không thể “mơ” đến việc có tài sản lớn. Cô bạn cho rằng nếu chịu khó chắt chiu 1-2 triệu tiết kiệm mỗi tháng rồi đầu tư “tiền đẻ ra tiền”, tạo nguồn thu nhập thụ động có lợi nhuận cao, như vậy mới có khả năng mua nhà, tậu xe. Còn nếu chỉ tiết kiệm tiền thì việc mua nhà hay xe bằng chính tiềm lực kinh tế cá nhân thì xác suất đạt được gần như bằng 0.
Thu nhập 8 triệu/tháng, người đã lập gia đình chi tiêu thế nào?
Hồng Nhung (sinh năm 1995, Hà Nội) đang có mức lương 8 triệu/tháng làm trong lĩnh vực du lịch. Cô mới lập gia đình và đang ở cùng nhà chồng, do vậy tiết kiệm được một khoản tiền thuê nhà. Hàng tháng, cô trích khoảng 2 triệu để đưa cho bố mẹ.
“Riêng lương của mình, mỗi tháng sẽ trích 2 triệu gộp vào với lương của chồng để gửi bố mẹ, hỗ trợ tiền sinh hoạt. Ngoài ra, bọn mình có kế hoạch sinh em bé nên cũng trích lại khoảng 2 triệu để tiết kiệm. 4 triệu còn lại thì để chi tiêu cho cuộc sống trong tháng của mình, của chồng, mua sắm đồ riêng hoặc đi chơi,… Thu nhập 8 triệu/tháng dường như rất khó để đủ trang trải”.
Cũng giống như Huyền Anh, Hồng Nhung không nghĩ rằng mức lương này có thể tính đến việc mua nhà, mua xe. Làm phép tính đơn giản cũng thấy sẽ phải mất gần như cả đời để có thể tích lũy đủ mua tài sản lớn. Bên cạnh đó, kể cả đi vay cũng sẽ phải mắc nợ rất nhiều, có thể khiến tài chính cả gia đình rơi vào tình huống khá rủi ro.
Vậy bao nhiêu tiền mới đủ sống ở Hà Nội?
Là người ở thành phố lớn từ bé, Huyền Anh cho rằng nếu sống 1 mình thì thu nhập cần ít nhất 10-15 triệu. Khi kết hôn, vợ và chồng phải có thu nhập 15-20 triệu/đồng mới có thể sống ổn, đủ để trang trải chi phí trong gia đình.
“Thực ra 7-8 triệu/tháng không phải là không sống được mà nó sẽ không thể thoải mái, phải cân nhắc chi li. Do vậy, mình nghĩ mỗi người cần phải nỗ lực để có thu nhập càng cao càng tốt hơn, nhất là khi xác định lập gia đình thì càng cần phải có kinh tế ổn định. Hiện tại, mình cũng đang muốn tìm công việc có mức lương khoảng 12 triệu/tháng, có thể sẽ thoải mái hơn 1 chút. Tuy nhiên, chỉ là lên kế hoạch chi tiêu dễ dàng hơn chứ vẫn khó để mua nhà, mua xe với mức thu nhập đó”, Hồng Nhung chia sẻ.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều người cho rằng kiếm được bao nhiêu không quan trọng bằng việc xoay xở tiết kiệm ra sao, Hồng Nhung thấy quan điểm này có một khía cạnh khá đúng. Tức là, dù có bao nhiêu tiền, mọi người cũng có thể cân nhắc sống sao cho phù hợp với mức thu nhập. Tuy nhiên, nếu lương thấp, bạn sẽ phải chi tiêu tính toán rất chi li. Mặt khác, ai cũng muốn cuộc sống tốt hơn, giàu hơn nên nỗ lực để kiếm nhiều tiền hơn cũng rất quan trọng.
Còn đối với Huyền Anh, nhiều người nâng cao thu nhập hoặc có thu nhập rất cao nhưng có nhiều nhu cầu thì đôi khi khoản tiết kiệm của họ cũng chỉ ngang bằng những người có thu nhập ít hơn nhưng biết tối giản các khoản chi tiêu. “Hơn nữa, kể từ thời điểm dịch cho đến bão sa thải, lạm phát,… mình nghĩ ai cũng hiểu hơn về tầm quan trọng của tiết kiệm và có khoản tiền dự trữ cho riêng mình”.