Đường qua ấp Chánh – Lộc Hưng – Báo Tây Ninh Online

ấp chánh

Có lẽ cũng đã năm bảy năm rồi, tháng Tư này mới có dịp trở lại Lộc Hưng, Trảng Bàng. Vẫn xập xoè ngôi chợ nhỏ ven đường ở ngay ngã ba rẽ về ấp Lộc Chánh. Nhưng nếu có hỏi địa chỉ theo tên đầy đủ của ấp thì có người còn chưa biết. Bởi người già ở đây vẫn quen gọi quê mình là ấp Chánh mà thôi. Ôi, làng quê Tây Ninh ở miệt dưới Trảng Bàng! Hình như những làng xã đầu tiên trên đất này đều có một ấp mang tên là ấp Chánh. Như xã Gia Bình có ngôi đình trung ở ngay giữa lòng ấp Chánh. Đình to thiệt là to! Chánh ở phương Nam có nghĩa là chính ngoài miền Bắc. Còn chưa biết có vua quan nhà Nguyễn có ông, bà nào tên Chính, nên nhân dân vùng đất mới đều phải gọi chệch Chính thành ra Chánh. Nhưng dân ấp xã ai cũng tự hào về ấp Chánh của mình. Đấy thường là thôn xóm đầu tiên do ông, bà tổ tiên khai phá. Để rồi từ đây, khi xóm thôn trù phú, nhân khẩu tăng lên thì mới mở mang thêm các thôn xóm ở chung quanh. Vậy thì ở Lộc Hưng quê mình, không phải là những Lộc An, Lộc Phú, Lộc Tân… mà chính ấp Chánh mới là đất gốc gác của các bậc tiên hiền thời mở đất. Người Việt nói chung và người Tây Ninh nói riêng đều giữ cho mình một tập quán rất đẹp. Đấy là sau khi đã yên hàn, sung túc thì bao giờ cũng gom góp tài lực dựng nên những ngôi đình thờ. Bởi thế, trong các đình làng, ngoài bàn thờ chính giữa thờ vị thần phù hộ cho làng xã, còn là bàn thờ các vị tiền hiền, hậu hiền với ý nghĩa “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Người bổ nhát cuốc đầu tiên xuống rừng âm u và người mở ra cơ nghiệp về sau cho dân ấp xã, đều được tôn thờ như nhau trong mọi lễ lạt của làng ấp giữa chốn đình Trung ngạt ngào nhang khói. Ngoài đình, miếu… làng ấp xưa cũng không thể thiếu những ngôi chùa. Như Lộc Hưng có các ngôi: Long Tiên, Chùa Mọi, Long Hưng. Một tài liệu của Bảo tàng Tây Ninh chép rằng Long Tiên chính là ngôi chùa đầu tiên có mặt trên đất Tây Ninh, đâu như hồi cuối thế kỷ XVIII. Cơ sở nào để viết vậy thì chưa rõ, nhưng Long Tiên hiện chỉ là ngôi chùa nhỏ mới được phục hồi sau 1975. Miền đất chiến tranh ác liệt, giặc chà đi xát lại này hầu như đã không còn gì cả sau chiến tranh. Chùa Mọi đã mất tăm. Chùa Long Hưng cũng mới xây lại độ năm bảy năm nay trên nền cũ. Ngôi đình Trung ở Lộc Hưng cũng không còn cả một viên gạch lành trên sân nền đổ vỡ…

Trong chuyến đi trước, đã cố tìm lại nơi xưa từng có đình làng thì chỉ thấy một khoảng sân vườn vuông vắn rộng chừng 1 ha đã được xây tường rào bao quanh. Bên trong lúc ấy, chỉ có một kiến trúc duy nhất mới xây lên là ngôi nhà bia liệt sĩ. Đấy là vào tháng bảy nên có Đoàn Thanh niên ở xã đưa quân đến sửa sang và trồng thêm cây cối. Nay, vừa về Lộc Hưng, đã thấy các cụ tuổi cao bàn chuyện cúng đình làng. Chẳng là, có một nhà doanh nghiệp đóng tại địa phương, biết được nguyện vọng của các cụ nên đã đầu tư xây lại ngôi đình Trung trên đất cũ. Thành ra chuyến này lại phải ráng chạy xe vào ấp Chánh xem đình mới ra sao.

Con đường từ chợ Lộc Hưng xuyên qua ấp Chánh đến đình đã không còn lởm chởm đất đỏ như xưa mà đã thành đường nhựa đẹp mê hồn. Đường chỉ rộng 4 mét nhưng láng o, êm thuận như được đổ bê tông nhựa. Xóm thôn thì vẫn vậy, cửa nhà thưa thớt, giữa miên man đồng lúa, ruộng màu vàng xanh bát ngát. Mà con đường thì cứ bám theo lối mòn thôn ấp ngày xưa nên cứ ngoặt qua, quẹo lại cong veo. Để rồi không gian trước mặt luôn biến đổi như khi ta xem một bộ phim quay chậm. Có những khúc quanh được ghi dấu bởi những cây cành quắc thước, rừng rực hoa vàng. Lại có những không gian thoáng đãng của cánh đồng, bỗng nhô lên một mái ngói nhọn hoắt như một tháp chuông nhà thờ gô tích. Đường từ chợ vào tới đất đình cũng độ chừng 4km. Cổng đền tưởng niệm đã xám rêu phong, nhưng cây xanh đã xanh rợp đất đình. Những cây tùng, bách và cau kiểng nghiêm ngắn xếp hàng phía trước đền. Hai bên là si, sanh và đằng sau là keo tràm toả bóng. Trên thảm cỏ phía sau nhà bia đã mọc lên ngôi đình mới, thoạt trông như một ngôi trường học 5 gian mái ngói. Sáu bậc thềm cao chạy gần suốt mặt tiền. Đình có 5 gian, rộng tới 18 mét, với bề sâu 6 mét. Bên ngoài còn là hành lang rộng 1,8m vòng quanh. Bên trong lòng nhà rộng lớn ấy, cũng đã có bàn thờ thần cùng với đôi hạc chầu và dàn lỗ bộ – binh khí xưa bày sẵn trang nghiêm. Thế là từ năm 2011 trở đi, người dân Lộc Hưng đã lại có nơi thờ tự, không chỉ 709 liệt sĩ có tên khắc trên bia, mà cả những bậc hào kiệt, tiền nhân thời mở đất.

TRẦN VŨ

luck8 | cwin | jun88 | Rồng bạch Kim | bong da lu | i9bet.com | ko66 | KO66 | NOHU90 | bongdalu | bongdalu | LUCK8 | NOHU90 | WW88 | 77win | BK8 | 8kbet | OKVIP | https://qh88.gold/ | jun88