(KTSG) – Nếu chỉ đọc tin tức trên báo chí rất dễ hiểu nhầm các tảng băng khổng lồ ở châu Nam cực đang tan chảy, làm nước biển dâng cao, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Thế nhưng theo giải thích của ông Steven Koonin, một giáo sư tại Đại học New York, vấn đề không đơn giản như vậy.
- COP27 thảo luận về bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu
- Tác động của biến đổi khí hậu nhìn từ góc độ sức khỏe người dân
Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal, ông Koonin cho biết vừa có hai nghiên cứu về chuyện băng tan ở Nam cực vừa mới được công bố nhưng báo chí rút tít có thể gây hiểu nhầm. Châu Nam cực có lớp băng dày bao phủ cả 30 triệu năm nay. Các lớp băng này chứa chừng 26,5 triệu gigaton nước (1 gigaton bằng 1 tỉ tấn), nếu tan chảy hoàn toàn sẽ làm mực nước biển dâng cao đến 58 mét, một chuyện không tưởng!
Hàng năm chừng 2.200 gigaton (tức chừng 0,01%) tan chảy trong khi tuyết rơi bù đắp một lượng băng cũng khoảng chừng đó. Sự khác biệt giữa mức băng tan và lượng băng bù đắp vào mới đúng là lượng băng mất đi hàng năm. Theo ông Koonin, con số này đang gia tăng trong mấy thập niên gần đây, từ mức 40 gigaton mỗi năm vào thập niên 1980 đến chừng 250 gigaton trong thập niên 2010.
Mới nhìn qua đây là một con số rất lớn nhưng thật ra nó chỉ chiếm 0,001% lượng băng ở khu vực này và nếu băng cứ tan theo tốc độ này thì trong 100 năm nữa, nó sẽ làm nước biển dâng thêm 7,6cm.
Vấn đề báo chí tập trung là nỗi lo ngại trái đất nóng dần sẽ làm băng tan nhanh hơn, làm nước biển dâng nhanh hơn. Nghiên cứu thứ nhất dùng drone chạy dưới đáy biển để vẽ địa hình ở độ sâu 600m, nơi gặp nhau giữa các tảng băng, biển và đất liền, cách sông băng Thwaites ở châu Nam cực chừng 56km.
Đọc các dấu vết địa hình, các nhà nghiên cứu kết luận có một thời điểm trong quá khứ băng tan nhanh hơn gấp hai lần tốc độ băng tan nhanh nhất ghi nhận giữa năm 2011 và 2019. Thế nhưng báo chí rút tít: “Một sông băng kích thước bằng Florida đang tan chảy nhanh hơn người ta từng nghĩ”. Theo ông Koonin một tít chính xác hơn phải diễn giải: Sông băng Thwaites tan chậm hơn, chưa bằng một nửa tốc độ trong quá khứ.
Giáo sư Anna Wahlin, Đại học Gothenburg của Thụy Điển, đồng tác giả của nghiên cứu giải thích trên NBC News: “Cách đây chừng 100 năm, sông băng co lại nhanh hơn tốc độ bây giờ. Ta có thể xem đó là tin tốt vì tình hình hiện giờ không tệ như ngày xưa. Nhưng ta cũng có thể xem đó là tin xấu vì chuyện băng tan nhanh có thể xảy ra một lần nữa”.
Nghiên cứu thứ nhì kiểm tra lại ý tưởng cho rằng dòng nước ngọt từ một khối băng tan có thể được các dòng hải lưu đưa chảy dọc bờ biển làm các tảng băng khác tan nhanh hơn. Họ đưa ra các mô hình và giả thuyết khả dĩ để kết luận mối liên quan giữa các dòng hải lưu và băng tan có thể làm tốc độ tan băng tăng thêm 10% vào cuối thế kỷ này. Và để nhấn mạnh đến yếu tố con người, các nhà nghiên cứu tăng mức độ ảnh hưởng của con người lên ba lần trong mô hình này.
Báo chí không chú ý đến điểm này nên rút tít khá giật gân: Băng ở Nam cực tan nhanh hơn người ta từng nghĩ đến 40%; rồi chạy thêm các dòng tít phụ gây hoảng sợ như: sóng thần khổng lồ có thể quét sạch New York, làm chết hàng triệu người hay London, Venice và Mumbai có thể bị biến thành bể nuôi cá! Một tít chính xác, theo Koonin sẽ là: Các dòng hải lưu kết nối các sông băng Nam cực có thể làm chúng tan nhanh hơn.
Thật ra như đồng tác giả nghiên cứu này, ông William Colgan giải thích với hãng tin AP, nghiên cứu tập trung vào các tảng băng rời, trôi nổi riêng lẻ, khả năng chúng tan chảy là cao hơn nhiều vì chúng không được kết nối với nguồn bổ sung băng từ tuyết.