Dòng sông Gâm trong xanh, hùng vĩ chảy qua xã Thượng Hà (Bảo Lạc).
Vùng đất hoang sơ và hùng vĩ
Bảo Lạc vẫn luôn được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều cảnh quan hoang sơ rất đẹp với hệ thống sông, núi và những cung đường đèo uốn lượn. Huyện Bảo Lạc có địa hình rất phức tạp, hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống núi cao kéo dài, có độ dốc lớn, độ cao trung bình của toàn huyện là 1.000 m so với mực nước biển.
Khi đặt chân tới Bảo Lạc, du khách luôn ấn tượng bởi hình ảnh của những ngọn núi cao chọc trời. Chỉ cần đi theo Quốc lộ 34 đến với Bảo Lạc, chinh phục liên tục những con đèo với cảnh đẹp của núi rừng cũng là một trải nghiệm rất thú vị. Con đường nhựa như tấm lụa được vắt lên dãy núi cao sừng sững, nhìn lên trên là đỉnh núi cao lấp ló sau áng mây, nơi thoai thoải dốc là những nương ngô của đồng bào, nhìn xuống dưới là thung lũng nhỏ ven sông với những nếp nhà sàn rêu phong. Cung đường từ Thành phố đến Bảo Lạc luôn thu hút du khách thích trải nghiệm.
Địa hình chia cắt mạnh khiến cho vùng đất này có rất nhiều con đèo, con dốc thử thách các tay lái. Nhưng chính sự ngoằn ngoèo, những cung bậc cheo leo của những con dốc đã tạo nên cảm giác đầy thú vị và cảm xúc cho du khách. Một trong những địa danh thu hút khách du lịch khi đến với Bảo Lạc là dốc 15 tầng (hay còn gọi là Khau Cốc Trà) – nơi mà du khách có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Con đường đèo 15 tầng nằm trên Quốc lộ 4A, như dải lụa khổng lồ uốn quanh vách núi, lác đác trên đường, những chiếc ô tô, xe máy đang di chuyển trông vô cùng đẹp mắt và thú vị. Cao hơn nữa là những dải mây trắng bồng bềnh sáng lấp lánh giữa trời xanh, xung quanh nghe đâu đó tiếng chim hót ríu rít và tiếng kêu của đàn dê núi. Cảnh tượng nơi đây vừa hùng vĩ, vừa ngoạn mục.
Bảo Lạc còn được biết đến là vùng đất có nhiều loài hoa rực rỡ, mỗi mùa lại có một màu sắc riêng. Đầu xuân, hoa mận nở trắng, giữa xuân hoa lê e ấp, cuối xuân hoa trẩu, hoa gạo thi nhau đua nở. Thu đến lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Giữa khung cảnh hùng vĩ của núi đồi, những sắc hoa mang đến cho vùng đất vẻ đẹp dịu dàng, nên thơ.
Ngoài vẻ đẹp của núi rừng thì Bảo Lạc còn mang những vẻ đẹp đến từ sông nước. Một số địa danh nổi tiếng như: hồ Thôn Lốm tại xã Xuân Trường mang vẻ đẹp thanh bình; Khe Hổ Nhảy tại xã Cô Ba với phong cảnh sông núi kỳ vĩ…
Bảo Lạc có nhiều sông, suối chủ yếu tập trung ở vùng lòng máng. Sông Gâm là con sông lớn nhất bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000 m thuộc địa phận Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) vào Việt Nam qua địa phận huyện Bảo Lạc, chảy theo hướng Tây Nam qua Bảo Lâm sang tỉnh Hà Giang rồi về tỉnh Tuyên Quang.
Lòng sông Gâm rộng và sâu, độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước lớn. Sông Gâm có nhiều loài cá ngon và quý hiếm mà nhân dân thường gọi “ngũ quý hà thủy” gồm: cá anh vũ (trước kia được dùng để tiến vua), dầm xanh, lăng, chiên, bống…
Sông Gâm mang màu nước xanh rêu, phảng phất màu của cỏ cây, như một điểm nhấn mang đến vẻ đẹp mềm mại của miền núi. Dòng sông uốn quanh những dãy núi cao trùng điệp, nằm giữa vách núi đá sừng sững và đi qua những thửa ruộng bậc thang.
Dốc 15 tầng với cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ.
Bảo Lạc sơn thủy hữu tình, mang một vẻ đẹp riêng biệt khiến ai cũng phải nhớ mong. Một vùng đất không xô bồ, nhộn nhịp, không rực rỡ đèn hoa như chốn thị thành, mà ở đây có một không gian thật khác, vừa nhẹ nhàng, bình yên nhưng cũng ẩn chứa những mảng màu đầy thi vị.
Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
Bảo Lạc là mảnh đất mang đậm bản sắc các dân tộc miền Tây của tỉnh với các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Chính sự độc đáo, đa dạng trong văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây.
Từ những nếp nhà sàn truyền thống, ẩm thực dân tộc, các điệu múa dân gian, lễ hội… đều trở thành điểm đến trải nghiệm về văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng riêng với du khách. Thị trấn của huyện là nơi giao thoa văn hóa các dân tộc, là nơi các dân tộc gặp nhau và giao lưu văn hóa. Chợ phiên ở Bảo Lạc mang nét đặc sắc của phiên chợ vùng cao, cứ 5 ngày họp một lần vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 âm lịch hằng tháng.
Đến thị trấn Bảo Lạc vào ngày chợ sẽ thấy được không khí rộn ràng, tấp nập và sắc màu rực rỡ đến từ những bộ trang phục của đồng bào các dân tộc. Những thiếu nữ dân tộc Mông rực rỡ trong bộ váy xòe hoa, xúng xính cầm ô đợi bạn; phụ nữ dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ mang trên người trang phục đỏ, đen, vàng; những cô gái Tày, Nùng đầu quấn khăn mỏ quạ mời khách đến mua hàng. Những sản vật của địa phương được bà con bày bán ở chợ gồm những mặt hàng quen thuộc như: ngô, khoai, bún, gia cầm, gia súc, củ mài, củ ấu, măng, rau rừng, mật ong…
Bảo Lạc là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc là điểm nhấn về kinh tế và du lịch của huyện. Chợ đêm bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2020 và được duy trì vào thứ Bảy hằng tuần. Tại đây, có các hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật với những điệu hát Then, Sli, Lượn, Nàng ới… làm say đắm lòng người. Ngoài ra, còn có các hoạt động vui chơi, giải trí và trò chơi dân gian. Điểm nhấn của chợ đêm là các gian hàng quảng bá sản phẩm đặc sản và không gian văn hóa đặc trưng của từng xã.
Đến với chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, du khách sẽ được khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… và thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc nơi đây như: thịt chua, lạp sườn, thắng cố, bánh bò, bánh trứng kiến…
Trên bản đồ du lịch của huyện, Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc là nơi lưu giữ nguyên vẹn văn hóa của dân tộc Lô Lô được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Xóm Khuổi Khon có hơn 60 hộ dân tộc Lô Lô sinh sống, hiện nay, người dân vẫn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Lô Lô.
Bảo Lạc là vùng đất kỳ bí với thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mang đậm những nét truyền thống văn hóa dân tộc. Đến đây bạn sẽ được trải nghiệm, khám phá phong cảnh, phong tục tập quán, ẩm thực… để lại nhiều ấn tượng trong lòng mỗi du khách…
Lâm Anh