GIỚI THIỆU CHUNG HUYỆN BÌNH GIA

Bình gia

Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là huyện vùng cao miền núi, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 75km, theo hướng Tây Bắc, có 5 dân tộc chính là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa cùng sinh sống, người dân huyện Bình Gia chủ yếu sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp. Nền văn hoá cơ bản của Bình Gia là nền văn hoá Nùng – Tày, đó là nền văn hoá bản địa gắn liền với sự phát triển và tồn tại của xã hội, vừa phong phú, đa dạng của văn hoá vật thể và phi vật thể, toàn huyện hiện có 3 di tích khảo cổ cấp quốc gia (hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai và hang Kéo Lèng); các di tích lịch sử cách mạng, di tích, danh thắng, khảo cổ học, di tích kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, nhất là huyện có tuyến quốc lộ 1B đi từ thành phố Lạng Sơn sang thành phố Thái Nguyên; tuyến đường 226, 279 nối liền với các huyện bạn, tỉnh bạn (huyện Na Rì – Bắc Kạn; huyện Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng – tỉnh Lạng Sơn), tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – văn hoá giữa các vùng miền trong, ngoài huyện cũng như trong và ngoài tỉnh. Từ những đặc điểm về vị trí địa lý, tiềm năng về văn hóa dân tộc bản địa, tiềm năng về du lịch cùng với những chủ trương về phát triển kinh tế, gắn với bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị di dản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

* Địa hình: Địa hình huyện Bình Gia bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất và núi đá các dãy đồi, núi ở Bình Gia đều có độ dốc từ 250 – 300 trở lên. Các dải thung lũng hẹp có diện tích nhỏ, không đáng kể, diện tích đất cây hàng năm vì thế không có nhiều nên sản lượng lúa và hoa màu hàng năm thu được không cao. Địa hình của huyện có thể chia thành 4 dạng chính sau đây:

– Dạng địa hình núi đá gồm các dãy núi đá phân bổ chủ yếu ở các xã phía Tây và Tây Nam huyện như Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, Thị trấn và một phần ở các xã Minh Khai, Quang Trung, Thiện Thuật.

– Dạng địa hình núi đất là phổ biến, độ dốc trên 250 – 300, chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên.

– Các dải thung lũng hẹp, hiện nay chiếm khoảng 3,5% diện tích đất tự nhiên, trong đó nhân dân đã khai thác để trồng lúa chiếm khoảng 91,4% diện tích các dải thung lũng.

– Các dải đồi thoải có độ dốc 150 – 200, có diện tích khoảng 4.000 ha. Dạng địa hình này có thể khai thác trồng cây ăn quả như đào, lê, mận, mơ, quýt… và trồng cây công nghiệp lâu năm như cây chè.

* Khí hậu, thủy văn: Bình Gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng chung của khí hậu miền Bắc, là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng mang những nét độc đáo, riêng biệt. Là huyện có mùa Đông lạnh và khô, mùa Hè nóng ẩm mưa nhiều, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc. Số liệu theo dõi liên tục về khí hậu trong nhiều năm ở huyện, thu được kết quả trung bình như sau: Nhiệt độ không khí bình quân năm 20,8°C; Nhiệt độ tối cao tuyệt đối: 37,3°C; Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối -1,0°C; Lượng mưa trung bình năm: 1.540 mm; Số ngày mưa trong năm 134 ngày; Độ ẩm không khí trung bình năm82%; Lượng bốc hơi bình quân năm811 mm; Số giờ nắng trung bình khoảng 1.466 giờ/năm.

* Tài nguyên đất: Đất đỏ vàng trên đá macma bazơ, ký hiệu là Fk, chiếm 4% diện tích đất tự nhiên. Đất đỏ vàng trên đá phiến sét (Fs): Chiếm 49,2% diện tích tự nhiên. Đất đỏ vàng trên đá macma axít (Fa): Chiếm 28% diện tích tự nhiên. Đất phù sa ngòi suối (Py): Chiếm 0,8% diện tích tự nhiên. Đất dốc tụ (D): Chiếm 5% diện tích tự nhiên. Đất nâu đỏ trên đá vôi (Fv): Chiếm 0,4% diện tích tự nhiên. Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq): Chiếm 5,8% diện tích tự nhiên. Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl): Chiếm 1,5% diện tích tự nhiên. Còn lại là diện tích sông suối, núi đá, chiếm 5,3% diện tích tự nhiên.

* Tài nguyên nước: Huyện Bình Gia có sông Bắc Giang chảy qua với chiều dài trên 50km là nguồn nước quan trọng, tại đây có thể xây dựng nhà máy thuỷ điện… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có sông Pác Khuông chảy qua và có rất nhiều con suối lớn nhỏ phân bổ ở khắp các xã là nguồn cung cấp chủ yếu nước sinh hoạt cho nhân dân và nước tưới cho sản xuất. Hệ thống sông suối, hồ đập dải đều khắp địa bàn huyện nên thuận lợi cho việc phát triển hệ thống thủy lợi.

* Tài nguyên rừng: Bình Gia có nguồn tài nguyên rừng khá phong phú, chủ yếu là các kiểu rừng tự nhiên với nhiều loài cây nhiệt đới, gồm các loại gỗ quý (lát hoa, sến…), các loại cây đặc sản có giá trị (sa nhân, song, rễ gió….), các loại tre, nứa, luồng… đặc biệt tại khu bảo tồn thiên nhiên Lân Luông. Tuy nhiên, do quá trình khai thác không có kế hoạch kéo dài, thiếu tổ chức, quản lý… đã dẫn đến hiện nay nguồn tài nguyên rừng nơi đây đã ngày càng bị cạn kiệt.

* Tài nguyên khoáng sản: Hiện tại trên địa bàn huyện Bình Gia có mỏ than bùn ở xã Hoàng Văn Thụ, trữ lượng khoảng vài trăm ngàn tấn có thể khai thác để sản xuất phân vi sinh mang lại nguồn thu đáng kể kinh tế trên địa bàn huyện. Kim loại quý có vàng sa khoáng ở khu vực xã Tân Văn, Hồng Phong, Quý Hòa, Vĩnh Yên, trữ lượng nhỏ không đáng kể; Quặng sắt, Ăngtymol ở xã Hoa Thám… Bình Gia còn có một khối lượng đá vôi lớn tập trung ở các xã Tô Hiệu, Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bình Gia…

* Cảnh quan sinh thái: Bình Gia được thiên nhiên ưu đãi với những khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, sông hồ tự nhiên, núi non hùng vĩ và hệ thống các hang động, thác nước, xen lẫn trong đó là những nếp nhà sàn còn nguyên bản xinh xắn, tạo nên cảnh quan sinh động, thơ mộng và rất đỗi yên bình. Bình Gia còn là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội đặc sắc, ẩm thực phong phú, ngành nghề thủ công truyền thống đậm đà văn hóa dân tộc. Sự hòa đồng giữa con người và thiên nhiên chính là thế mạnh của du lịch Bình Gia.

* Tài nguyên du lịch phục vụ phát triển du lịch

Tài nguyên du lịch tự nhiên

– Hang động

Hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai: hai di tích này nằm cách QL1B từ Lạng Sơn – Thái Nguyên gần 100m. Trong lần khai quật năm 1965, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hóa thạch quí giá gồm răng đười ươi, răng của gấu tre, voi, khỉ đuôi dài và răng của người vượn khổng lồ mang tính chất đặc nguyên thủy. Năm 1993, đoàn nghiên cứu cổ sinh Việt, Mỹ, Australia tiến hành khảo sát thu được một số mẫu trầm tích và hóa thạch, khẳng định hang Thẩm Khuyên có niên đại cách đây 475 nghìn năm. Các di tích này là một tài liệu vô cùng quí báu cho nền khoa học thế giới, cần được nghiên cứu khám phá tiếp. Ở hang Thẩm Hai, các nhà khảo cổ Việt Nam, CHLB Đức đã tìm thấy răng hàm trên của người cổ và nhiều hóa thạch khác. Trong tương lai sẽ cung cấp nhiều thông tin mới làm bằng chứng cho việc nghiên cứu nguồn gốc của loài người.

Hang Kéo Lèng: Hang Kéo Lèng nằm trên dãy núi Nà Gọi. Tại đây các nhà khảo cổ trong nước cũng đã tìm thấy răng gấu tre, răng hàm, hộp sọ, xương sống của người cổ cách đây 30 nghìn năm. Những hóa thạch về người và động vật cổ ở ba hang động nói trên góp phần minh chứng rằng, ngay từ thời đồ đá xa xưa, ở miền núi phía Bắc ở Việt Nam đã có người vượn sinh sống. Bình Gia (Lạng Sơn) là một trong những cái nôi của loài người. Tháng 12-1993, Bộ Văn hóa – Thông tin đã quyết định cấp bằng công nhận ba di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng là di tích khảo cổ học loại đặc biệt quan trọng. Ngoài giá trị khoa học khảo cổ, ba di tích này còn có giá trị danh thắng. Đến thăm 3 di tích này, du khách như được trở về với một vùng rừng núi tự nhiên nguyên thủy, hoang dã, với những dãy núi đá vôi và rừng trùng điệp của vòng cung Bắc Sơn.

– Hồ nước

Hồ Phai Danh: Danh thắng hồ Phai Danh xã Hoàng Văn Thụ (hiện nay chưa được đưa vào mục danh thắng của huyện) có thể khai thác và phát triển thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Chiều dài hồ 1.200m, chiều rộng 200m, có 2 mặt đập, mặt đập chính dài 125m, mặt đập phụ khoảng 50m, tổng diện tích mặt nước 2,7km2, bao quang hồ là những rừng hồi, chè xanh thắm quyến rũ. Giữa hồ là một đảo nổi, tạo nên vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Hồ Phai Danh chỉ cách trung tâm thị trấn Bình Gia chưa đến 1km, là điểm lý tưởng để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng núi vừa nằm dưới tán hồi vừa nằm ven hồ với cảnh quan đẹp. Tuy nhiên, đây là hồ chứa nước ngọt của thị trấn nên nếu định hướng phát triển du lịch, huyện cần quy hoạch một địa điểm khác làm hồ cung cấp nước sạch cho thị trấn Bình Gia.

Ảnh: Hồ Phai Danh

– Thác, suối thác

Thác Đăng Mò:ở vị tríkm11 QL279, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 90km. Thác Đăng Mò là điểm dã ngoại không thể bỏ qua ở Lạng Sơn.Thác Đăng Mò quanh năm nước đổ tràn qua những triền đá giữa núi rừng hoang sơ, mang vẻ đẹp vô cùng nên thơ và huyền bí.

Ảnh: Thác Đăng Ṃò

Thác Đăng Mò có nước quanh năm, nhưng mùa mưa, lượng nước về sẽ nhiều hơn và hùng vĩ hơn. Nếu không phải vào lúc mưa lớn hay có lũ, dòng thác rất hiền hòa, với độ dốc, độ sâu vừa phải. Những “bồn tắm thiên nhiên” trong xanh, lý tưởng cho du khách đắm mình trong làn nước mát, và tận hưởng thiên nhiên trong lành, khoáng đạt, hoang sơ. Với vẻ đẹp thơ mộng và những lợi thế riêng, thác Đăng Mò trở thành điểm dã ngoại hấp dẫn, không chỉ với người địa phương quanh khu vực mà còn với du khách, nhất là vào những ngày hè oi bức hay dịp cuối tuần.

Suối thác Mơ: là một con suối bắt nguồn từ đỉnh Khau La, cách bến đò Văn Mịch khoảng 4km, hệ thống đường xá đang xây dựng nên việc tiếp cận còn gặp nhiều khó khăn. Điểm Suối thác Mơ là một điểm chưa được đưa vào khai thác du lịch, mới chỉ được người dân địa phương biết tới. Tuy nhiên, đây là một điểm đến mới lạ và có cảnh quan tự nhiên đẹp, hoang sơ, yên bình. Cách suối Mơ khoảng gần 1km có bản làng của người dân tộc Nùng sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng và cảnh quan các đồng lúa, đồng ngô bao quanh làng tạo cảnh quan rất hấp dẫn. Ngoài ra, cách thác chừng vài chục mét là rừng hồi nở hoa thơm ngát vào mùa hè (khoảng tháng 7-8) có thể trở thành điểm tham quan, cắm trại cho khách du lịch. Suối thác Mơ, bản làng dân tộc, rừng hồi và cảnh quan đồng lúa, ruộng nương nơi đây có thể quy hoạch thành điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.

luck8 | Go88 | Lucky88 | BJ88 | IwinClub | Nohu90 | BK8 | 8Day | cwin | https://77winmm.com/ | jun88 | rr88 | 789win | 77win | Rồng bạch Kim | okvip | bong da lu | OKVIP | Hello88