Những năm gần đây, bằng tâm huyết của thế hệ hậu sinh và sự quan tâm khuyến khích từ các cấp chính quyền địa phương, gốm Châu Ổ đang từng bước phục hồi sản xuất với tạo hình hoa văn mang đậm nét truyền thống kết hợp thêm những kỹ thuật chế tác hiện đại để đưa sản phẩm chinh phục thị trường.
Dòng gốm tiêu biểu vùng Nam Trung Bộ
Theo nhiều tài liệu ghi chép, làng gốm Mỹ Thiện nay thuộc thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (nên thường được gọi là gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ) bắt đầu hình thành từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 với tổ nghề là hai cụ Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất, người gốc Thanh Hóa di dân vào Quảng Ngãi lập nghiệp. Dòng gốm có hệ thống sản phẩm rất đa dạng từ đồ gia dụng (bình hoa, bình vôi, ấm, chóe, ống đựng bút, đựng đũa…) đến những món đồ trang trí (tượng, phù điêu…).
Với sắc men chủ đạo gồm hai màu vàng cam và xanh lục cùng tạo hình họa tiết độc đáo, gốm Châu Ổ nhanh chóng khẳng định được tên tuổi dần trở nên nổi danh nhất vùng. Làng gốm từng được phủ chúa Nguyễn giao cho chế tác đồ ngự dụng (đồ dùng của vua), các cống phẩm, tặng phẩm rất tinh xảo và được ngự ban sắc phong khen thưởng quý giá. Từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, sản phẩm gốm Châu Ổ thông thương rộng khắp các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ với rất nhiều hiện vật khảo cổ cũng như đồ vật còn lưu giữ trong nhân dân được phát hiện ở các tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang…
Một số sản phẩm gốm Châu Ổ xưa.
Trận lụt lịch sử năm Giáp Thìn (1964) được lưu truyền trong dân gian với cái tên “Đại họa năm Thìn” gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế vào đến Bình Định. Hàng nghìn người thiệt mạng cùng nhà cửa, của cải hoa màu bị nước cuốn trôi. Làng gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ nằm bên sông Trà Bồng cũng bị hủy hoại gần như hoàn toàn khiến dòng gốm này đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Kể từ đó đến năm 1975, những người thợ gốm nơi đây dường như không thể tìm cách giúp cho làng gốm hồi sinh trở lại.
Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện ra đời vào năm 1982 với hơn 200 thành viên, với mục đích làm ra thật nhiều sản phẩm gốm sứ xuất bán đổi lấy lương thực và các nhu yếu phẩm để phân phối trong thời bao cấp. Giai đoạn này, làng gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ dần khởi sắc, nhưng vì sản xuất chạy theo số lượng nên những nét truyền thống của dòng gốm cổ xưa cũng bị nhạt phai đi khá nhiều. Đến năm 1998, hợp tác xã bị giải thể do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, ế ẩm. Mấy chục lò gốm trong làng cũng đành dẹp bỏ dần chuyển qua nghề khác mưu sinh.
Cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cùng với lò gốm duy nhất còn lại trong làng đã tìm nhiều cách để khôi phục sản xuất gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ. Ông kết hợp cách chế tác truyền thống và thêm kinh nghiệm từ các dòng gốm khác nhưng chưa đem lại nhiều kết quả khả quan. Khi mọi thứ đang có tiến triển thì cơn bão số 9 năm 2009 kéo đến phá tan nhà cửa và lò gốm của ông. Bằng tâm huyết, nghị lực lớn lao, nghệ nhân Đặng Văn Trịnh tiếp tục vay mượn tiền bạc và một lần nữa quyết hồi sinh nghề gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ cổ truyền của quê hương mình.
Đẩy mạnh bảo tồn, khôi phục và quảng bá nghề gốm Châu Ổ
Cùng với quyết tâm phục hồi nghề gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ của nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng xác định dòng gốm này là di sản cần được bảo tồn của tỉnh nhà nên đã tạo điều kiện giúp đỡ vợ chồng ông xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Năm 2012, lò gốm của ông Trịnh được UBND tỉnh công nhận là cơ sở nghề truyền thống. Tiếp đó, từ năm 2016 đến 2020, Sở Công Thương kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần đến khảo sát hỗ trợ về máy móc thiết bị cũng như xây dựng phòng trưng bày, thu hút khách du lịch tới tham quan lò gốm của gia đình.
Nhiều khách hàng từ các địa phương khác, trong đó có cả người nước ngoài rất mê sản phẩm gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ. Thế là họ tìm đến đặt hàng cơ sở sản xuất của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo nguồn thu nhập khá ổn định. Theo ông Trịnh, sản phẩm gốm nơi đây được làm thủ công nhiều khâu, chất lượng tốt và độc đáo. Điều khiến sản phẩm chưa thể phát triển mạnh ra thị trường là do khâu quảng bá thương hiệu còn kém, chính sách hỗ trợ quá trình đào tạo truyền nghề cho lớp nghệ nhân trẻ kế tiếp để bảo tồn di sản vẫn chưa được Nhà nước thực sự quan tâm.
Những năm gần đây, ngoài lò gốm của gia đình ông Trịnh thì sự xuất hiện một nghệ nhân tuổi đời mới ngoài 40 là anh Ngô Đào Giang cùng với nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh, một người rất có tâm huyết giữ gìn các hiện vật gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ cổ xưa đã như tiếp thêm nét tươi mới trên con đường bảo tồn và khôi phục sản xuất dòng gốm danh tiếng này. Hy vọng trong một tương lai không xa, làng nghề gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ sẽ trở lại không khí nhộn nhịp như thời vàng son, thậm chí có thể sẽ phát triển mạnh mẽ để trở thành một thương hiệu gốm có sức hút trên thị trường.
Bài và ảnh: Nhà sưu tập gốm sứ NGUYỄN ĐƯƠNG