Cầu Ngang vững vàng hội nhập và phát triển

Chợ cầu ngang

Video Chợ cầu ngang

Cầu Ngang là huyện phía đông nam tỉnh Trà Vinh, nằm bên bờ sông Cổ Chiên và cửa biển Cung Hầu. Với 15 km bờ biển và nằm trên cung đường “hành trình kết nối từ sông ra biển” của tỉnh, huyện xác định kinh tế biển gắn với du lịch sinh thái sẽ là hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Do đó, huyện tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Quan tâm đời sống nhân dân

Huyện Cầu Ngang có diện tích tự nhiên 31.885,97 ha, có 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (theo Chương trình 135). Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 35%. Những năm qua, huyện được Trung ương và tỉnh quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…

Huyện cũng chủ động thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ đó, diện mạo nông thôn Cầu Ngang từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày một cải thiện.

Trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó có nhiều công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện dự án phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, huyện hỗ trợ trên 10,7 tỷ đồng cho 717 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án nuôi bò, nuôi thỏ sinh sản; gần 2 tỷ đồng cho 134 hộ thực hiện nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản; hỗ trợ 727 hộ Khmer vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với số tiền trên 5,8 tỷ đồng;…

Công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 2,95%/năm, vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,9%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện chỉ còn 4,02%, giảm 7,98% so với năm 2015; thu nhập đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 1,78 lần so với năm 2015).

Đến nay, huyện Cầu Ngang đã có 6/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2022 có 13/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và trở thành huyện NTM.

Bên cạnh đó, những năm qua, lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng được quan tâm phát triển. Toàn huyện hiện có 1.157 cơ sở sản xuất, đồng thời đã thu hút được một số nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.600 lao động. Cụm công nghiệp (CCN) Hiệp Mỹ Tây với quy mô 40 ha đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, đang hoàn thành các bước để kêu gọi đầu tư.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Cầu Ngang phấn đấu nâng tổng giá trị sản xuất 5 năm đạt 114.129 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm từ 12,5 – 13,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.000 tỷ đồng; thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 12%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,5%.

Khai phá tiềm năng du lịch

Huyện Cầu Ngang có nhiều dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Khmer, Hoa…), với những nét văn hóa đa dạng, phong phú. Vùng đất này nổi tiếng với những đặc sản mang hương vị đặc trưng như: bánh tét lá ngót nhân thập cẩm Trà Cuôn, cốm dẹp Ba So, tôm khô Vinh Kim…, được nhiều người chọn mua mỗi khi đến đây.

Trên địa bàn huyện có 23 chùa Nam tông Khmer. Đặc biệt, có Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2013. Đây là lễ hội thể hiện tín ngưỡng dân gian cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa bội thu, ngư dân bình an… Năm 2019, Lễ hội Cúng biển Mỹ Long tròn 100 năm, thu hút hơn 12.000 du khách thập phương tham dự. Ngoài ra, Cầu Ngang được thiên nhiên ưu đãi cho 3 vùng nước mặn, ngọt, lợ thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp; nhiều cảnh đẹp miền sông nước, nhất là các cồn xanh mướt bên sông Cổ Chiên. Tiêu biểu như: Cồn Nghêu (xã Mỹ Long Nam), Cồn Bần (xã Mỹ Long Bắc), Hàng Dương (thị trấn Mỹ Long),… Hiện, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố đồ án quy hoạch phân khu du dịch sinh thái Hàng Dương, tỷ lệ 1/2000; Cồn Nghêu diện tích 197,3 ha; Cồn Bần diện tích 72,44 ha.

Xem thêm:  23 mẫu áo kiểu nữ đẹp tuổi 35 hack dáng, trẻ trung

Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá cộng đồng. Huyện đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; phấn đấu đón 200.000 lượt khách du lịch/năm.

Trong giai đoạn từ nay đến 2025, huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và hình thành các điểm đến; kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch: văn hóa – lễ hội, tâm linh, sinh thái và làng nghề. Trong đó, xây dựng loại hình du lịch lễ hội, văn hóa Khmer là sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Trước mắt sẽ hình thành sản phẩm du lịch tham quan di tích dân tộc Khmer tại các Chùa Khmer như: Chùa Căn Nom, Chùa Lạc Hòa. Hình thành sản phẩm du lịch tham quan làng nghề, thưởng thức ẩm thực truyền thống như: Làng nghề cốm dẹp Ba So, làng nghề bánh tét Trà Cuôn, tôm khô Vĩnh Kim; nâng tầm tổ chức Lễ hội Cúng biển Mỹ Long lên quy mô cấp vùng… Huyện xác định thực hiện từng bước, xây dựng sản phẩm du lịch với quy mô vừa phải rồi nhân rộng; chú trọng xây dựng các điểm cung cấp thông tin, trạm dừng chân, hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ. Lựa chọn, hình thành các sản phẩm địa phương, đồ lưu niệm có chất lượng, mẫu mã đẹp, hợp vệ sinh để đáp ứng nhu cầu của du khách… Đặc biệt, Cầu Ngang nằm giữa 2 trung tâm du lịch của tỉnh là TP.Trà Vinh và thị xã Duyên Hải nên sẽ chú trọng việc kết nối, liên kết tour, tuyến…

Mục tiêu là như vậy, nhưng nhìn chung hiện nay du lịch của Cầu Ngang vẫn là “hạt ngọc thô” cần được “mài dũa”. Chính vì vậy, huyện mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch chung sức thúc đẩy du lịch địa phương.

Để đánh thức tiềm năng du lịch, theo Chủ tịch UBND huyện – ông Nguyễn Văn Ngà, Cầu Ngang rất coi trọng và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến và mời gọi đầu tư để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch. Trong đó, khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ du lịch: sinh thái, vui chơi giải trí, ăn uống, tham quan, trải nghiệm…

Với tâm thế sẵn sàng chia sẻ và hợp tác, chính quyền huyện sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đề xuất các dự án đầu tư. Chú trọng giới thiệu rộng rãi, công bố các quy hoạch, thông tin thu hút đầu tư; quảng bá của huyện.

“Bên cạnh đó, huyện sẽ chủ động tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh và các sở ngành liên quan để thực hiện các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; đảm bảo an ninh trật tự; giải quyết kịp thời các vướng mắc cho nhà đầu tư…”, ông Nguyễn Văn Ngà khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum