Đã có những câu hỏi đặt ra về công tác chuẩn bị tham dự của đoàn Thể thao Việt Nam trước thềm SEA Games 32, trong đó có việc làm sao ngăn ngừa sử dụng doping – chất cấm. Tại SEA Games 31 năm 2022, đã từng có các VĐV thể hình và điền kinh của đoàn Thể thao Việt Nam bị phát hiện dương tính với doping.
• MA LỰC CỦA DOPING
Một câu hỏi đặt ra “doping” là gì? Ngắn gọn, theo từ điển Wikipedia mở, đó là những chất hay những phương pháp bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao, do làm tăng thành tích thi đấu một cách gian lận.
Ủy ban Olympic châu Âu định nghĩa: “Doping đó là việc sử dụng những chất và những phương pháp nhằm làm tăng một cách giả tạo thành tích thể thao, làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và đến sự lành mạnh về thể chất, tâm lý, đạo đức của vận động viên”. Còn Ủy ban Olympic Mỹ cho rằng: “Doping là việc uống hay dùng bất cứ chất gì lạ đối với cơ thể với ý định làm tăng một cách giả tạo và không trung thực thành tích thi đấu của vận động viên”.
Hiện nay, thế giới đã khá thống nhất rằng việc sử dụng các loại thuốc tăng cường hiệu suất thể thao (doping) trong các môn thể thao cạnh tranh được coi là hành vi phi đạo đức. Chính vì vậy, các tổ chức thể thao quốc tế, bao gồm cả Ủy ban Olympic quốc tế đều cấm sử dụng doping. Những VĐV thực hiện các biện pháp để trốn tránh sự phát hiện doping được coi là gian lận và bị loại ra khỏi các cuộc thi thể thao tùy theo mức độ sử dụng.
Nhưng cũng cần biết rằng, việc sử dụng các chất cấm đã có từ rất lâu trong lịch sử thể thao. Trong thời cổ đại, các VĐV tranh tài trong các cuộc thi được cho rằng đã sử dụng các loại cây lá, thảo dược đặc biệt nào đó để tăng cơ bắp, để kích thích tinh thần thi đấu. Suốt trong một thời gian dài, việc này được coi bình thường nhưng rồi, rõ ràng điều này là không công bằng với tất cả các VĐV cùng tranh tài với nhau nên dần bị cấm.
Cho đến nay, việc cấm dùng doping trong thể thao đã có những quy định rất chặt chẽ. Lý do đưa ra cho việc cấm này là vì các rủi ro về sức khỏe của các loại chất cấm này lên cơ thể VĐV; là sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả các VĐV tranh tài; là hình ảnh thể thao không sử dụng ma túy hay chất cấm đối với công chúng. Sử dụng doping để thắng cuộc là đi ngược lại với tinh thần thể thao, do đó, việc kiểm tra doping luôn được đặt lên hàng đầu trong các cuộc tranh tài trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, dù bị cấm, doping luôn có một ma lực rất lớn. Để “cao hơn, xa hơn, nhanh hơn”, để gặt hái vinh quang và thành công, không ít những người vô tình hay cố ý, luôn tìm cách sử dụng chất cấm và sử dụng chúng một cách tinh vi để che giấu, để gian lận thành tích trong một thời gian dài. Điển hình như tay đua xe đạp người Mỹ Lance Amstrong, từng 7 lần giành danh hiệu vô địch Vòng đua nước Pháp “Tour de France” danh giá trong lịch sử giải đấu này, được coi như một tấm gương lớn về thể thao, một VĐV chiến đấu với đường đua, chiến đấu với căn bệnh ung thư đến cùng cho nhiều thế hệ trẻ. Nhưng sau cùng Lance Amstrong đã buộc phải thú nhận sử dụng doping một cách tinh vi và có hệ thống, do đó tay đua này bị tước bỏ tất cả các danh hiệu đạt được.
Hay như nữ VĐV điền kinh Marion Jones của người Mỹ, người đầu tiên trên thế giới từng đoạt 5 huy chương tại một kỳ Olympic, trong đó có 3 huy chương vàng và 2 huy chương đồng tại Olympic 2000. Tuy nhiên, sau đó Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã phải tước số huy chương này sau khi các mẫu xét nghiệm của Marion Jones bị phát hiện có chất cấm. Gần đây nhất, bê bối sử dụng doping có hệ thống của các VĐV Nga đã khiến quốc gia này bị cấm thi đấu ở các cuộc tranh tài quốc tế trong một thời gian dài.
Như những nhà chuyên môn nhận xét, việc dùng doping không chỉ gây ra những tác hại lâu dài về mặt sức khỏe và tính mạng cho VĐV mà còn gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức, cho danh dự của cả đội tuyển mình khoác áo.
• CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỂ NGĂN NGỪA
Một câu chuyện nổi lên trong những ngày này chính là việc sử dụng doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 diễn ra trong cuối năm vừa qua.
Trong hơn 200 mẫu thử của VĐV được Ban Tổ chức Đại hội gửi sang Thái Lan xét nghiệm, đã có đến 14 mẫu thử bị phát hiện dương tính với chất cấm – doping.
Theo thông tin từ Báo Thanh niên, trong số 14 mẫu của các VĐV thể hình (8 nam, 6 nữ) thì có đến 11 mẫu dương tính với doping; còn trong 10 mẫu của các VĐV cử tạ thì có 3 mẫu dương tính với doping.
Năm ngoái, Thể thao Việt Nam cũng có 11 VĐV bị phát hiện dương tính với doping. Trong tháng 3/2022, đội tuyển Thể hình Việt Nam được Liên đoàn Thể hình Thế giới yêu cầu lấy mẫu thử chất cấm, cả 6 VĐV sau đó bị phát hiện dương tính nên không được dự SEA Games. Khi SEA Games diễn ra, đã có 5 mẫu thử của các VĐV đội tuyển điền kinh bị phát hiện, đến nay, danh sách các VĐV vi phạm này vẫn được giữ kín, nhưng các VĐV này sẽ không thể tranh tài tại SEA Games 32 sắp đến.
Có thể thấy doping đang là một nỗi lo lớn của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 hiện nay. Những VĐV bị phát hiện vi phạm tùy theo mức độ sẽ phải chịu các mức phạt từ các cơ quan chức năng trong nước. Tuy nhiên, Thể thao Việt Nam cũng ảnh hưởng uy tín không nhỏ khi thông tin này đến với Cơ quan Phòng, chống doping thế giới (WADA).
Vấn đề chính hiện nay là công tác phòng, chống, ngăn ngừa sử dụng doping được vận hành ra sao? Cần biết rằng, hầu hết các môn thể thao cần sức mạnh cơ bắp như thể hình, cử tạ, điền kinh… đều dùng đến thuốc tăng cơ, nhưng đa phần những loại thuốc này có chất cấm. Vô tình khi các VĐV sử dụng là vướng vào vi phạm. Chính vì vậy, với các bộ môn này, rõ ràng các liên đoàn, các ban huấn luyện và bản thân các VĐV đều phải hết sức lưu ý cho nhau khi sử dụng.
Trong tháng 3/2022 vừa rồi, cơ quan chức năng về phòng, chống doping trong nước là Trung tâm Doping và Y học thể thao – Tổng cục TDTT đã có các cuộc tập huấn về công tác phòng, chống doping cho đội tuyển quốc gia các bộ môn tham dự SEA Games 32 và ASIAD 19, trong đó Trung tâm đã cập nhật danh mục chất cấm của WADA năm 2023 để các HLV, VĐV biết và phòng ngừa.
Bác sỹ Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao trong một cuộc gặp mặt báo chí gần đây về công tác chuẩn bị tham dự SEA Games 32 đã cho biết tất cả các trường hợp kiểm tra dương tính với chất cấm tại SEA Games 31 sẽ được công bố trong thời gian đến với các mức án phạt cụ thể cho từng trường hợp.
Với SEA Games 32, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự khá đông với 1.003 thành viên, tranh tài ở 31 môn thi, 446 nội dung. Để phòng tránh tình trạng VĐV tham dự SEA Games vi phạm về doping, Trung tâm đều đã tập huấn tại tất cả 4 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia trong đó có đưa ra danh mục chất cấm, quy trình lấy mẫu kiểm tra, các thủ tục mà VĐV phải phối hợp thực hiện tại SEA Games 32.
Theo Trung tâm Doping và Y học thể thao, Tổng cục TDTT đã có văn bản về việc VĐV phải thực hiện quy định, luôn sẵn sàng lấy mẫu, khai báo thông tin, thực hiện công tác kiểm tra theo yêu cầu; đồng thời HLV, VĐV, cán bộ y tế phải kiểm soát thuốc sử dụng. “Số lượng mẫu kiểm tra doping tại SEA Games 32 tương đối lớn, các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 32 đều phải kiểm tra, đây là những điều HLV, VĐV cần nắm rõ”, ông Phú cho biết.