Nhà Thờ Tân Đông (Hóc Môn)

giáo xứ tân đông

Giờ lễ nhà thờ Tân Đông:

  • Chúa nhật: 04:30 – 06:00 – 08:00 – 15:30 – 17:00 – 19:00
  • Ngày thường: 04:30 – 17:30

Khoảng năm 1863, triều đình phong kiến Huế bổ nhiệm ông Trần Tử Ca vào chức vụ tri huyện Bình Long (nay là huyện Hóc Môn), và năm 1868 người Pháp cai trị ở miền nam lúc bấy giờ cử ông làm Đốc phủ sứ (tiếng Pháp: cochinchinese district chief – viên quan cao cấp người Việt, đứng đầu bộ máy cai trị một quận ở Nam Bộ thời Pháp thuộc), nên trong các tài liệu thường gọi là Đốc phủ Ca. Năm 1861, tại Hạnh Thông Tây, gia đình và bà con ông Ca đã được cha Puginer rửa tội (cha Puginer hay gọi là cha Phước – các linh mục truyền giáo thời sơ khai thường lấy các tên Việt Nam – lúc bấy giờ đang coi họ Thị Nghè cùng lo việc giảng đạo tới Hóc Môn, sau làm Giám Mục ở Hà Nội – Mgr Puginer).

Những người tới xin theo đạo rất nhiều, khoảng 400 người, sau vì cha Phước chuyển về nơi khác, không người trông coi, nên tại đây số người xao lãng bỏ đạo ngày càng tăng. Ông Ca khi ấy làm hương chức ở Hạnh Thông Tây đã đến làng Tân Đông thuyết phục dân làng trở lại đạo, phần nhiều hương chức trong làng qui thuận cho dựng tạm đình miễu để làm nhà thờ, số người trở lại đạo lúc đó khoảng 150 người. Cũng nhờ ơn Chúa, có Cha Lý (Père GaLy) tới thay thế cha Phước, coi họ Bà Điểm, lo công việc mục vụ và giảng đạo cho những người tân tòng và người trở lại đạo rải rác khắp nơi từ Gò Vấp đến Hóc Môn. Cha Lý đã nhờ Thầy Dư (sau là Père Dư), sau đó là Thầy Bình (sau là Père Bình) đến dạy Chầu cho những người theo đạo.

Năm 1866, Thầy Bình cho cất ngôi nhà thờ Tân Đông đầu tiên dựa trên đình miễu của làng. Đến năm 1880, nhả thờ đó đã hư cũ, cha Điều làm cha sở Hóc Môn bấy giờ đã cho cất lại nhà thờ mới, ông Đốc phủ Ca đã tài trợ toàn bộ chi phí xây dựng và tiền mua đất cất nhà thờ. Năm 1885, ông Đốc phủ Ca và gia đình đã tuẫn nạn trong cuộc khởi nghĩa của Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá. Mặc dù trong thời gian tại chức ông không được lòng nhân dân Hóc Môn và có nhiều sai trái, nhưng trên phương diện “công đền oán trả”, ông Ca vẫn là người có công đầu trong việc gìn giữ và truyền bá đạo ở đây.

Xem thêm:  Hoán dụ là gì? Cách nhận biết và các ví dụ về hoán dụ

Sau khi ông Ca mất, số người theo đạo mà vì ý không ngay lành hay vì cậy thế thần cũng chẳng còn tha thiết, nên số giáo dân xuống còn khoảng 90 người. Họ đạo nhỏ bé không có cha sở ở thường xuyên, khi thì thuộc về Hóc Môn, An Nhơn, khi thì thuộc Bà Điểm, Tân Quy, vì thế đức tin giảm sút.

Đó là Tân Đông ngày xưa, còn ngày nay, người ta sẽ thấy một hình ảnh mới mẻ, sống động của một cộng đoàn ven đô. Ngày 21/10/2006, giáo xứ đã dâng thánh lễ tạ ơn, chính thức khánh thành ngôi thánh đường mới khang trang và đẹp đẽ. Với sự có mặt của Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn, Ngài đã cầu chúc cho cộng đoàn Tân Đông luôn đoàn kết, yêu thương để trở thành một nơi qui tụ những người tin theo Chúa, lắng nghe Lời Chúa, hiệp nhất trong bí tích Thánh Thể, cùng nhau xây dựng đời sống hạnh phúc, ấm no cho gia đình và xã hội.

Tiếp theo sau đó, được sự quan tâm và giúp đỡ của khá nhiều ân nhân trong và ngoài nước, ngày 12/01/2008, sau 7 tháng xây dựng, giáo xứ đã khánh thành Nhà Giáo Lý kiên cố và hoàn tất việc trùng tu thánh đường. Nhà Giáo Lý với 3 tầng lầu, xây trên diện tích 600m vuông, gồm 12 phòng học, 1 phòng sinh hoạt, 1 phòng dành cho hội đồng mục vụ. Với số thiếu nhi gần 550 em, Nhà Giáo Lý sẽ đáp ứng được nhu cầu học giáo lý và cả sinh hoạt hội họp của các đoàn thể trong giáo xứ.

Song song với việc nâng cấp cơ sở vật chất, những sinh hoạt tinh thần của giáo dân cũng được thăng tiến. Hi vọng với sức sống mới của một cộng đoàn trẻ, giáo xứ Tân Đông sẽ luôn mới (Tân) và ngày càng đông đúc (Đông) những giáo dân biết yêu thương và phục vụ theo đúng tinh thần thần của Phúc Âm.

Nguồn: Giáo xứ Tân Đông