Văn hóa – Lịch sử – Huyện Hưng Nguyên

Huyện hưng nguyên

Huyện Hưng Nguyên ra đời vào năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ hành chính của cả nước.Huyện Hưng Nguyên chính thức ra đời từ đó. Đến năm 1831, Nghệ An tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Huyện Hưng Nguyên thuộc phủ Anh Đô thừa tuyên Nghệ An.

Trong khoảng 330 năm đầu, kể từ khi có tên gọi, ranh giới huyện Hưng Nguyên khá ổn định và rộng lớn; phía bắc là dãy núi Đại Hoạch (Thần Vũ), phía tây là dãy núi Đại Hải, phía tây nam và phía nam là núi Thành, sông Lam, núi Quyết, phía đông là huyện Chân Lộc. Khi đó, Hưng Nguyên có 7 tổng và 96 xã, thôn, đó là các tổng Phù Long, Thông Lãng, Đô Yên, Hoa Viên, Hải Đô, Cảo Trình và La Hoàng. Dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1898, huyện Hưng Nguyên được đổi thành phủ Hưng Nguyên. Phủ quản lý hai huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, trong đó các tổng của huyện Hưng Nguyên do phủ trực tiếp quản lý. Năm 1911 sáp nhập hai tổng cảo Trình (Vân Trình) và La Hoàng (La Vân) về huyện Nghi Lộc. Đổi lại chuyển tổng Yên Trường của huyện Nghi Lộc về phủ Hưng Nguyên trực tiếp quản lý. Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đã nhiều lần điều chỉnh địa giới. Các làng phía hữu ngạn sông Lam thuộc tổng Phù Long cũ sáp nhập vào huyện Nam Đàn. Hai xã Hải Đô và Nguyệt Tĩnh thuộc tổng Hải Đô cũ sáp nhập vào huyện Nghi Lộc. Tám xã của huyện Hưng Nguyên lần lượt sáp nhập vào Thành phố Vinh. Năm 2009 xã Hưng Yên tách thành 2 xã Hưng Yên Nam Nam và Hưng Yên Bắc. Từ đó huyện Hưng Nguyên có 1 thị trấn và 22 xã. Đến năm 2019 huyện Hưng Nguyên chỉ còn 159 km2, khoảng một nửa khi mới thành lập. Sau năm 2019 Hưng Nguyên tiếp tục sáp nhập xã đến nay Hưng Nguyên có 17 xã và 1 thị trấn

Mảnh đất và con người Hưng Nguyên

Huyện Hưng Nguyên từ xưa là địa bàn chiến lược về quân sự. Nhiều vị Vua hiền đã đến đây kinh lí hoặc cầm quân đánh giặc, như: Lê Đại Hành (1003), Lê Thái Tổ (1425), Lê Thánh Tông (1470), Quang Trung (1789), Thiệu Trị (1842). Hưng Nguyên phát triển huy hoàng vào thời Lê. Ngoài nghề trồng lúa nước và chăn nuôi, còn phát triển nhiều nghề khác. Phố Phù Thạch xã Phục Lễ và các làng dưới chân núi Thành, là nơi nhộn nhịp buôn bán, không những đối với người trong nước, mà còn cả người Nhật và người Trung Hoa. Trên bản đồ Đại Việt ngày ấy, người Nhật đã khoanh một vòng tròn mực đỏ đậm nét quanh chữ Hưng Nguyên. Đầu thế kỷ 15 quân Minh chiếm đóng núi Thành. Sự tích “ăn cổ đầu người” của Nguyễn Biểu trước mặt quan quân Trương Phụ đã thể hiện tính can trường bất khuất của người Đại Việt. Cũng ở núi Lam Thành có chuyện về hàng tướng Thái Phúc biết cải tà quy chính, giúp nghĩa quân Lê Lợi quét sạch giặc Minh, sau khi qua đời được vua Lê phong là Tuyên Nghĩa Vương. Vào giữa thế kỷ 17 xẩy ra cuộc chiến tranh giữa 2 thế lực phong kiến Trịnh – Nguyễn. Sông Lam đã trở thành giới tuyến, nhiều vùng đất Hưng Nguyên là chiến trường đẫm máu. Khi quân Trịnh đẩy lùi quân Nguyễn vào phía nam sông Gianh, thì Hưng Nguyên mới bình yên trở lại.

Núi Thành và vùng phụ cận, đã từng là quận lỵ, châu Lỵ của các đơn vị hành chính thời ngàn năm Bắc thuộc; cũng là vùng trấn lỵ, tỉnh lỵ Nghệ An từ triều Lê Thánh Tông cho đến đầu triều Nguyễn. Tiếc thay, thiên tai và chiến tranh đã làm biến dạng vùng đất trù phú này. Vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, nhiều trận lũ lụt lớn xẩy ra; và sự biến đổi của dòng chảy sông Lam, đã làm cho khu buôn bán nhộn nhịp không còn nữa. Người Nhật và người Trung Hoa, đã chuyển việc buôn bán ra phố Hiến, tỉnh Hưng Yên.

Ngày xưa, người dân Hưng Nguyên còn thống khổ vì thiên tai. Khi chưa có hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh, lụt lội, hạn hán xẩy ra thường xuyên,nhân dân cơ cực. Nhưng chính sự khắc nghiệt của thiên tai và chiến tranh đã tôi rèn con người Hưng Nguyên có được những phẩm chất quý giá. Từ thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn toàn huyện có 13 người đậu Tiến sĩ và Phó bảng, 26 người đậu Hương cống và Cử nhân, hàng trăm người đậu Tú tài. Trong số đó có Tướng công Đinh Bạt Tuỵ, đậu đầu khoá thi đặc biệt năm 1554, làm đến chức Thượng thư Bộ Binh. Còn có Nguyễn Trường Tộ , người giáo dân có lòng yêu nước nồng nàn, có tư tưởng canh tân vượt tầm thời đại. Mẹ Lân, người làng Phúc Hậu xã Hưng Xuân có công lớn thời Cần Vương; được cụ Phan Bội Châu ca ngợi là Nữ Hào Kiệt đất Hồng Lam. Nhân dân Hưng Nguyên hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du và xuất dương. Nhiều người con ưu tú đã anh dũng hy sinh như Bang Lân, Tác Việng, Nguyễn Huy Chước, Trần Diệm, Ngô Thúc Thiêm, Phạm Hồng Thái,…Nhiều người trở thành cán bộ ưu tú của Đảng như Lê Thiết Hùng, Ngô Thúc Tuân, Nguyễn Thị Tích ( Lý Phương Thuận). Đặc biệt có đồng chí Lê Hồng Phong đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng, uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản; và vợ là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ, Bí thư thành uỷ Sài Gòn Gia Định, nêu một tấm gương sáng ngời về một gia đình Cộng sản.

Từ ngày có Đảng, các cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã có tổ chức và lãnh đạo; tiêu biểu là cuộc biểu tình, của 2 vạn nông dân Hưng Nguyên vào ngày 12 tháng 9 năm 1930. Thực dân Pháp đã đàn áp cuộc biểu tình làm cho 217 người hy sinh. Đây là đỉnh cao của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, vang dội cả thế giới và đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sau cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, giặc Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắn và giam cầm. Nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt như các đồng chí Lê Mao, Lê Xuân Đào, Võ Trọng Cánh, Nguyễn Hữu Lễ,…Bất chấp hiểm nguy, các đồng chí Chu Huy Mân, Ngô Thúc Tuân, Võ Trọng Ân, Nguyễn Xuân Thành,… đã len lỏi đến từng cơ sở chắp nối liên lạc gây dựng lại phong trào. Nhờ vậy, khi có lệnh tổng khởi nghĩa, Chấp uỷ Việt Minh Hưng Nguyên, đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Vào hồi 17giờ ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông Ngô Mậu, Chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời phủ Hưng Nguyên ra mắt đồng bào.

Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19 tháng 12 năm 1946 của Hồ Chủ Tịch, nhân dân Hưng Nguyên muôn người như một, tham gia phong trào “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; thực hiện công cuộc giảm tô và cải cách ruộng đất, làm cho mọi người cày đều có ruộng. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hoà bình mới lập lại chưa lâu, thì nhân dân ta lại phải đương đầu chiến đấu với xâm lược Mỹ và quân nguỵ. Nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, vừa dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhân dân Hưng Nguyên đã luôn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ với Tổ quốc. Hàng vạn Thanh niên và quần chúng Cách mạng đi làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tại các chiến trường. Trong đó có gần 2.700 người hy sinh, 3.500 người là thương bệnh binh, gần 2.000 người bị nhiễm chất độc da cam, có 80 cán bộ Lão thành cách mạng và Tiền khởi nghĩa, 58 quân nhân bị địch bắt và tù đày; 20.000 người và 8.000 gia đình được thưởng Huân Huy chương kháng chiến, 56 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 2 Anh hùng LLVT nhân dân và 4 Anh hùng lao động. Năm 1962 huyện Hưng Nguyên được Tỉnh trao cờ 9 nhất. Hợp tác xã Ba Tơ xã Hưng Thái do Anh hùng Cao Lục làm Chủ nhiệm, là ngọn cờ đầu sản xuất nông nghiệp toàn miền Bắc. Hệ thống thuỷ nông được công nhận hoàn chỉnh vào năm 1974, đã bảo đảm tưới tiêu chủ động cho hầu hết diện tích trồng lúa. Đê tả lam (tức đê 42) được bồi trúc chắc chắn. Nạn hạn hán, nỗi lo vỡ đê đã bị đẩy lùi.

Hưng Nguyên tự hào là quê hương của cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, Thượng thư Đinh Bat Tuỵ, Nhà tư tưởng canh tân Nguyễn Trường Tộ; là một trong những cái nôi của cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình lich sử ngày 12/9/1930. Hưng Nguyên là nơi sinh cội nguồn ba vĩ nhân: quê hương bà ngoại Bác Hồ; quê tổ Vua Quang Trung; quê tổ Nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu. Tiếp nối những truyền thống quý báu đó sau ngày thống nhất đất nước đặc biệt từ khi có công cuộc đổi mới. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 là 9,6 %. Thu nhập bình quân 48 triệu đồng/ người / năm. Tỷ lệ hộ nghèo chuẩn đa chiều 2,28. Bộ mặt Hưng Nguyên khởi sắc từng ngày. Đến nay toàn huyện có 16/17 xã đã được công nhận nông thôn mới và trong đó có một xã NTM nâng cao. Vụ lúa hè thu phát triển thành vụ sản xuất chính có năng suất cao. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, Đường giao thông mở rộng và kiên cố hoá. Hầu hết các gia đình có phương tiện nghe nhìn. Trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông đã từng bước kiên cố hoá, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em. Bệnh viện, trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Có 12 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia, 12 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh, trên 110 di tích đang được các địa phương bảo tồn và gìn giữ. Các lĩnh vực xã hội được quan tâm, quốc phòng- an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, và hướng tới phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

Tự hào những truyền thống hào khí của quê hương Xô viết và những thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Nguyên đã không ngừng đoàn kết sáng tạo, đổi mới để xây dựng quê hương Hưng Nguyên ngày càng giàu đẹp./.

BBT CTTĐT

luck8 | Go88 | Lucky88 | BJ88 | IwinClub | Nohu90 | BK8 | 8Day | cwin | https://77winmm.com/ | jun88 | rr88 | 789win | 77win | Rồng bạch Kim | okvip | bong da lu | OKVIP | Hello88