Để huyện Kiến Thụy trở thành khu vực phát triển năng động trong

Kiến thụy hải phòng

Nỗ lực phá thế thuần nông

Mặc dù có rất nhiều tiềm năng lợi thế nhưng đã từng có hàng chục năm, huyện Kiến Thụy nằm trong tình trạng “ngủ yên” với thế “huyện cụt”, huyện thuần nông. Đây là điều trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Kiến Thụy. Với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi phát tích Vương triều nhà Mạc (1527-1592); nơi có tiếng trống Kim Sơn kháng Nhật; nơi khởi đầu của cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp thì không có lý gì huyện lại đi sau trong phát triển kinh tế.

Nhất là khi Kiến Thụy có bờ biển dài tới 6,76km; có 2 con sông lớn chảy qua là Văn Úc (12,8km), Đa Độ (20km), đã hình thành hơn 2000 ha đất bãi bồi ven sông, ven biển, tiềm năng kinh tế vô cùng rộng mở. Chính vì thế, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế là nỗi niềm đau đáu bấy lâu nay của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện. Khát vọng phát triển luôn bùng cháy và điều đầu tiên Kiến Thụy nghĩ tới là nỗ lực phá thế thuần nông.

03Chau%20KT
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu làm việc tại huyện Kiến Thụy

Theo Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Đức Hòa, nghị quyết đại hội lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ huyện đã xác định 3 khâu đột phá mà cụ thể là phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển các khu, cụm công nghiệp cùng với chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao theo vùng sản xuất hàng hóa.

Sau nửa nhiệm kỳ nhìn lại, với sự quan tâm của thành phố, huyện đã triển khai thực hiện được nhiều công việc. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông thực sự khởi sắc với nhiều dự án được triển khai như đường kênh Hòa Bình; đường nối từ tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển cùng một loạt đường giao thông nội huyện được mở mang, nâng cấp, kéo theo sự phát triển rất nhanh của các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Các khu, cụm công nghiệp; khu đô thị trên địa bàn huyện cũng đã được quy hoạch và xúc tiến triển khai. Nông thôn, nông nghiệp của huyện thực sự bứt phá, đã được công nhận là huyện nông thôn mới, có 2 xã hoàn thành xây dựng NTMKM, 8 xã đang thực hiện. Huyện tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, áp dụng công nghệ tiên tiến với nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả, tạo nên sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, năng suất cao, giá trị lớn với 37 vùng lúa chất lượng cao, 4 vùng sản xuất rau và 32 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP…

03NTM%20Thuy%20Huong%201
Đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Hương

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức bình quân chung của thành phố; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách tăng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đến nay đã ngang bằng với các huyện trên địa bàn.

Có thể coi đây là bước tiến vượt bậc của Kiến Thụy và Bí thư Huyện ủy Đỗ Đức Hòa tự tin đến năm 2025, Kiến Thụy đạt được mục tiêu cơ cấu kinh tế có 41% công nghiệp xây dựng; 45% thương mại dịch vụ và nông nghiệp thủy sản còn 14%. Điều quan trọng là Kiến Thụy từng ngày đổi mới, khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Nỗ lực biến khát vọng thành hiện thực

Khát vọng đi lên bằng công nghiệp, thương mại, dịch vụ song song với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trở thành đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2030 là rất lớn lao và Kiến Thụy hoàn toàn có đủ cơ sở để hiện thực hóa. Tuy nhiên, để đi lên, Kiến Thụy cũng cần phải nhìn lại chính mình để bứt phá hơn, tăng tốc hơn, có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra.

03Chau%20KT%202
Thường trực Thành ủy mong muốn huyện Kiến Thụy phát triển nhanh và bứt phá

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đánh giá rất cao kết quả đạt được của huyện Kiến Thụy trong nửa nhiệm kỳ qua nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, lực cản mà huyện cần phải vượt qua. Đó là phải thực sự bứt phá để có được hiệu quả rõ rệt, nhìn thấy được của 2/3 khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và thành lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Hiện tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, nhất là công tác GPMB; một số nhiệm vụ đề ra theo nghị quyết, theo kế hoạch chưa thực hiện được. Thu ngân sách tuy tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào tiền thu từ đất. Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, còn để xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý; một số vụ việc giải quyết chưa dứt điểm, kéo dài; thời gian gần đây còn một vài vụ việc có nguy cơ tiềm ẩn trở thành điểm nóng…

Xem thêm:  Nha khoa Đức Hạnh – 1054 Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình

Đáng chú ý, huyện Kiến Thụy chưa phát huy cao lợi thế kinh tế biển, năng lực khai thác hải sản xa bờ hạn chế, chưa khai thác được lợi thế cửa sông Văn Úc trong phát triển cảng biển, logictics. Việc phát triển đô thị nông thôn theo hướng đô thị sinh thái, hài hòa, có bản sắc riêng, gắn với phát triển du lịch cũng chưa đạt được mục tiêu; huyện chưa có các khu đô thị mới, nhà ở thương mại…

03Chau%20KT%201
Lãnh đạo thành phố tham quan mô hình HTX Nông nghiệp tại huyện Kiến Thụy

Có thể thấy, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ ra như vậy cũng chính là định hướng những việc phải làm cho huyện Kiến Thụy trong thời gian tới. Rất đáng mừng là các quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố đã xác định cụ thể diện mạo, quy mô của Kiến Thụy trong tương lai, là nền tảng để huyện xốc tới, đi lên.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chỉ rõ: huyện Kiến Thụy đã tới thời kỳ phát triển. Trong đó, đường bộ ven biển và đường 354 qua KCN Kiến Thụy tới đường bộ ven biển là con đường chiến lược để hình thành các KCN, CCN, kéo theo đó là sự phát triển rất nhanh của toàn huyện.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, huyện cần quy hoạch lại KCN bảo đảm tính khả thi. Hiện diện tích quy hoạch lên tới hơn 900 ha nhưng có một phần lớn diện tích lại nằm ở ngoài đê, kéo theo rất nhiều phiền lụy về thủ tục và chắc chắn bị kéo dài.

Do đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế đang tham mưu, đề xuất với thành phố, phổi hợp với huyện trước mắt mời gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN với diện tích khoảng 200 ha đã đủ điều kiện, sau đó sẽ thực hiện tiếp các giai đoạn 2,3. Có KCN Kiến Thụy sẽ là nền tảng, là bệ đỡ cho Cảng nam Đồ Sơn sau này.

Đồng chí Lê Trung Kiên mong muốn huyện Kiến Thụy phải đặt mục tiêu cao hơn trong thu hút tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bởi mức 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020- 2025 là chưa tương xứng, chưa đủ tiềm lực để huyện phát triển bứt phá.

Theo đồng chí Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT, tương lai phát triển của Kiến Thụy rất rộng mở khi quy hoạch cảng nam Đồ Sơn và luồng Văn Úc đang được triển khai, Hải Phòng xin phép Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước Cảng nam Đồ Sơn, luồng sông Văn Úc, trong đó có nhiều diện tích thuộc huyện Kiến Thụy.

Như vậy, Kiến Thụy chắc chắn sẽ là khu vực phát triển năng động của Hải Phòng trong tương lai. Cùng với đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố đang xem xét một số dự án phát triển đô thị trên địa bàn huyện, trong đó có một số dự án quy mô lớn, thuộc xã Đông Phương, xã Đại Đồng, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Gia Khánh nhấn mạnh, thành phố tập trung cao hỗ trợ để 17 xã của huyện hoàn thành xây dựng NTMKM trong năm 2025, đồng thời đề xuất chuyển đổi đất lúa ở một số khu vực để phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Tất cả những tín hiệu đó cho thấy Kiến Thụy đang tiềm tàng nhiều cơ hội bứt phá trên nền tảng tiềm năng, lợi thế phong phú. Vấn đề còn lại chính là hành động quyết liệt của huyện cùng sự hỗ trợ, quan tâm của thành phố. Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhất trí cao với định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ của huyện nhưng nhấn mạnh phải có quy hoạch hợp lý, phát triển hài hòa, cân đối và ở một số thời điểm, một số khu vực phải có sự lựa chọn chuẩn xác phát triển công nghiệp hay du lịch mới bảo đảm yếu tố bền vững, mang lại lợi ích kinh tế.

03NTM%20Thuy%20Huong%20(2)
Làng quê Kiến Thụy hôm nay

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dành nhiều thời gian phân tích và khẳng định đoàn kết chính là sức mạnh để huyện Kiến Thụy hiện thực hóa các khát vọng phát triển. Định hướng đã rõ, Kiến Thụy có thể đi lên bằng thế kiềng 3 chân vững chắc: công nghiệp; dịch vụ; nông nghiệp…

Mỗi lĩnh vực, huyện cần chọn ra các điểm đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; khơi thông mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực đầu tư toàn xã hội, biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực và đặc biệt là nguồn lực con người với đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có khát vọng, tâm huyết, trách nhiệm, chắc chắn Kiến Thụy sẽ vững vàng phát triển, trở thành khu vực năng động, hấp dẫn của Hải Phòng và là đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2030./.

Hồng Thanh