Tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động có sự gia tăng hằng năm.
Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động năm 2021 là 5,6 triệu đồng, tăng 33,33% so với mức của năm 2016.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của người lao động của năm 2021 bằng 86% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, bằng 76% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2021.
Xét theo từng loại hình doanh nghiệp, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động tại doanh nghiệp Nhà nước năm 2021 là 6,5 triệu đồng, tăng 54,76% so với mức của năm 2016.
Mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động tại doanh nghiệp Nhà nước năm 2021 bằng 115% so với tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động nói chung, bằng 100% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, bằng 88% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2021.
Tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, năm 2021, 6,1 triệu đồng là tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 23,29% so với mức của năm 2016.
Mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động tại khu vực này bằng 107,9% so với tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động nói chung, bằng 93% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, bằng 82% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2021.
Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm năm 2021 là 5,1 triệu đồng, tăng 30,76% so với mức của năm 2016.
Mức trên bằng 89,63% so với tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động nói chung, bằng 77% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, bằng 68% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2021.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động tại doanh nghiệp có xu hướng tăng lên hàng năm.
Trong đó, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cao nhất thuộc về doanh nghiệp Nhà nước. Tiếp sau đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cuối cùng là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong năm 2022, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già, do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trước thực tế trên, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương, và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.