Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm – Thị xã Đức Phổ

Nguyễn nghiêm

Đồng chí Nguyễn Nghiêm sinh năm 1904 tại làng Tân Hội, nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (nay là thị xã Đức Phổ). Đồng chí là con trai của cụ Nguyễn Tuyên, đỗ tú tài, tích cực hoạt động phong trào Duy Tân, tham gia lãnh đạo phong trào cự sưu, khất thuế năm 1908 ở Quảng Ngãi, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.

Noi gương truyền thống gia đình, Nguyễn Nghiêm sớm tham gia các hoạt động yêu nước trong tỉnh, từ năm 1924, Nguyễn Nghiêm tiếp xúc với nhà các mạng chống Pháp nổi tiếng Trần Kỳ Phong và nhiều nhà yêu nước tiền bối ở Quảng Ngãi. Cuối năm 1925, đồng chí Nguyễn Nghiêm cùng Nguyễn Ngọc Thụy và Trần Kỳ Truyện lập Công ái xã , tìm hiểu trao đổi về Chủ nghĩa Mác – Lênin.

Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên thành lập, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu vào Ban Chấp hành, phụ trách huyện Đức Phổ và từ đó trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào yêu nước cách mạng chống Pháp ở Quảng Ngãi.

Tháng 7/1929, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Quang Trọng, Hội nghị Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được tổ chức tại núi Xương Rồng, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ. Hội nghị nhất trí tuyên bố: tất cả các cán bộ và hội viên của Tỉnh bộ phải hoạt động theo tinh thần của một tổ chức cộng sản, đồng thời thành lập dự bị cộng sản làm nhiệm vụ ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí Nguyễn Nghiêm được giao trọng trách xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giữa tháng 3/1930, sau khi tìm bắt liên lạc với Đảng thông qua Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã triệu tập đại biểu các huyện và một số đồng chí ở Nam bộ về tại làng Tân Hội, Phổ Phong tuyên bố thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ cộng sản Quảng Ngãi và chuyển những “chi bộ dự bị cộng sản” thành những chi bộ cộng sản. Hội nghị đã bầu ra Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Nghiêm, Trần Hàm, Trần Thị Hiệp, Phạm Viết My, Nguyễn Tín do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư.

Tháng 6/1930, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất được tổ chức tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong. Đại hội đã đề ra Nghị quyết và bầu Tỉnh ủy chính thức, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư, trở thành Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Cuối tháng 9/1930, đồng chí Nguyễn Nghiêm triệu tập và chủ trì cuộc họp Tỉnh ủy, xác định nhiệm vụ lâu dài và đề ra nhiệm vụ trước mắt là phát động đợt đấu tranh rộng lớn trong toàn tỉnh, nhằm hưởng ứng và chia lửa với đồng bào Nghệ Tĩnh theo chỉ thị của Xứ ủy Trung kỳ. Đêm mùng 7 rạng sáng ngày mùng 8/10/1930, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Nghiêm, hơn 3000 nông dân các xã: Phổ Phong, Phổ Nhơn, Phổ Minh, Phổ Ninh, Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ An, huyện Đức Phổ đã tập trung tại gò Cây Thị tổ chức mit tinh, nghe diễn thuyết, sau đó rầm rộ biểu tình với 5000 người tham gia, kéo đến huyện lỵ Đức Phổ, đập phá công đường, thiêu hủy sổ sách, phá nhà lao và làm chủ huyện lỵ Đức Phổ đến sáng ngày 08/10/1930, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Quảng Ngãi.

TAM NLNNGNGHIEM 2022 02

Khách tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm

Giữa lúc phong trào các huyện đang dâng lên cao, các tổ chức đoàn thể cách mạng trong tỉnh được củng cố và phát triển, ngày 6/3/1931 (tức ngày 18 tháng giêng năm Tân Mùi), do tên Nguyễn Hòa phản bội, chỉ điểm, địch bắt đồng chí Nguyễn Nghiêm tại cấm Giám Tộ, thuộc làng Nhu Năng (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa).

Trong hơn một tháng bị giam giữ tại nhà lao Quảng Ngãi, công sứ Pháp cùng đám tay sai bày mưu tính kế, dụ dỗ mua chuộc rồi tra tấn Nguyễn Nghiêm với đủ mọi cực hình dã man nhưng vẫn không khuất phục được tinh thần cách mạng kiên cường và ý chí kiên trung bất khuất của đồng chí. Sáng sớm ngày 23/4/1931 (ngày 6/3 âm lịch), đế quốc đưa đồng chí Nguyễn Nghiêm ra xử chém tại bãi sông Trà Khúc.

Suốt những năm lăn lộn trong phong trào yêu nước rồi phong trào cách mạng của tỉnh nhà, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã có ngần ấy năm gắn bó với quê hương Phổ Phong từ những ngày đầu gây dựng cơ sở cách mạng. Trong những địa danh của quê hương có ngôi nhà của gia đình, nơi đồng chí được sinh ra và đây cũng là nơi liên lạc, in ấn tài liệu và cũng là nơi tổ chức cuộc họp đầu tiên của Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Nghiêm chủ trì. Ngôi nhà của gia đình được cụ Tú Tuyên, thân sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm xây dựng vào cuối thế kỷ XIX theo kiểu nhà mái lá truyền thống, ba gian hai chái. Tuy nhiên, ngôi nhà đã bị thực dân Pháp đốt phá ba lần trong năm 1931 và từ đó đến năm 1985, di tích chỉ tồn tại dưới dạng địa điểm lịch sử.

Nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến, hi sinh của đồng chí Nguyễn Nghiêm cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Năm 1986, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh Nghĩa Bình, UBND huyện Đức Phổ đã xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm trên vị trí nền nhà cũ thuộc khu vườn của gia đình, với hai không gian chức năng là tưởng niệm và trưng bày bổ sung về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm. Sau gần 30 năm mở của phục vụ khách tham quan, Nhà lưu niệm đã bị xuống cấp. Năm 2015, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm đã được tôn tạo, nâng cấp trên cơ sở nhà trưng bày lưu niệm cũ. Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm được tôn tạo, nâng cấp bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày lưu niệm, Nhà tiếp khách, Bia di tích Địa điểm thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, sân vườn, tường rào, cổng ngõ, đường đi nội bộ và cảnh quan môi trường. Nhà trưng bày lưu niệm được trưng bày 3 nội dung: Cội nguồn, quê hương, gia thế và ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến quá trình hình thành nhân cách, tài năng và ý chí làm cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm; Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm; Đảng, nhà nước và nhân dân tôn vinh đồng chí Nguyễn Nghiêm.

Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 05/6/2012. Đến thăm di tích, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm giúp chúng ta hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về cao trào cách mạng 1930-1931 sôi sục và hào hùng của nhân dân Quảng Ngãi.

(Nguồn tham khảo: Lý lịch di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm)

ko66 | BJ88 Đá Gà | QH88 | f8bet | ku88 | 9bet | rồng bạch kim | sunwin