Trong kinh doanh nói chung, có một thành tố vô cùng quan trọng góp phần trong quy trình nghiên cứu chiến lược chính là “thị trường”. Việc nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp định hình sản phẩm, tầm nhìn và có những hướng đi cụ thể nhắm đúng đối tượng mục tiêu, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh. Để hiểu rõ hơn thị trường là gì và có những tác động như thế nào, nội dung trong bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp.
Tổng quan thị trường là gì?
Định nghĩa thị trường
Thị trường là môi trường diễn ra các hoạt động giao thương, tức là mua và bán các loại hàng hóa nhất định, và là nơi các giao dịch diễn ra.
Theo kinh tế học, có 3 loại thị trường chính: Thị trường hàng hóa và dịch vụ; Thị trường tài chính; Thị trường sức lao động.
Ví dụ: Thị trường sữa, thị trường gạo, thị trường chứng khoán, thị trường giáo dục,…
Các hình thái của thị trường
Có các hình thái thị trường như sau:
- Thị trường tự do: đây là các thị trường hoạt động mà không có sự can thiệp của nhà nước/chính phủ. Chính vì hoạt động tự do, nên rất dễ xảy ra trường hợp tăng giá và chèn ép người mua do chứa yếu tố cạnh tranh độc quyền. Trong trường hợp xảy ra những vấn đề tiêu cực như trên, nhà nước/chính phủ có thể can thiệp để điều tiết giá cả thị trường.
- Thị trường hàng hóa: đúng như cái tên, chỉ cần hiểu đơn giản đây là nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán các sản phẩm thông thường trong cuộc sống hàng ngày.
- Thị trường tiền tệ: là nơi có các giao dịch cung, cầu sản phẩm là vốn ngắn hạn (có thời hạn dưới 1 năm) thông qua hệ thống ngân hàng.
- Thị trường chứng khoán: một trong những thị trường sôi nổi và không ngừng phát triển với nhiều hình thái nhỏ khác nhau. Là nơi có những giao dịch chứng khoán, cổ phiếu, phái sinh và nhiều sản phẩm tài chính khác. Trong đó, những người tham gia thị trường này là các doanh nghiệp, môi giới chứng khoán, nhà đầu tư, đầu cơ, chính khách…
Các thành phần cấu thành nên thị trường là gì?
Để cấu thành nên bất kỳ hình thái thị trường nào, cần sự tham gia của các thành phần sau:
- Chủ thể: Là cá nhân/tổ chức có năng lực và hành vi pháp luật. Chủ thể ở đây có thể hiểu là người mua (khách hàng), người bán (nhà sản xuất), trung gian môi giới,…
- Khách thể: Là sản phẩm giao dịch mà chủ thể thị trường hướng đến như hàng hóa hữu hình (thực phẩm, thuốc, quần áo, sản phẩm trong ngành sản xuất, tiền tệ), hay hàng hóa vô hình như (sản phẩm dịch vụ, sức lao động, thương hiệu).
- Giá cả: là giá trị của khách thể biểu hiện bằng tiền. Giá cả trong thị trường tuân theo quy luật cung cầu của hàng hóa.
Thị trường là gì trong Marketing
Định nghĩa thị trường trong Marketing
Vì Marketing là hướng đến khách hàng, người mua nên thị trường đối với người trong lĩnh vực Marketing chỉ bao gồm người mua hoặc sẽ mua hàng hóa, không có người bán hay sản xuất.
Có 3 yếu tố sau khi nói về khách hàng trong thị trường của Marketing: sự quan tâm đối với sản phẩm, năng lực tài chính (thu nhập), khả năng tiếp cận.
Vai trò của tìm hiểu về thị trường trong Marketing
Trong Marketing, việc tìm hiểu thị trường đóng vai trò cung cấp thông tin cho Marketer, cụ thể như sau:
- Nắm bắt tình hình biến động ngành, nhu cầu;
- Nhận biết thị trường và khách hàng tiềm năng;
- Xác định đúng nhu cầu người dùng, khách hàng;
- Nhận biết đúng thị trường giúp chiến lược Marketing phát huy hiệu quả.
Các cấu trúc thị trường
Cạnh tranh hoàn toàn
Cấu trúc này có nhiều người mua và bán với nhiều quy mô khác nhau từ nhỏ đến lớn. Các sản phẩm trên thị trường này có bản chất giống hệt nhau, mỗi doanh nghiệp đều chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng nguồn cung, nên giá bán không bị tác động.
Độc quyền hoàn toàn
Cấu trúc này chỉ có một người cung cấp/người bán kiểm soát hoàn toàn thị trường, nên họ cũng sẽ có quyền quyết định giá mà không có sự can thiệp từ khách hàng.
Cạnh tranh độc quyền
Cấu trúc này tuy có nhiều người mua và người bán, nhưng lại có sự khác biệt giữa các loại sản phẩm. Người bán có thể quy định giá mong muốn, nhưng cần phải phù hợp với thị trường.
Độc quyền nhóm (độc quyền tập đoàn)
Là cấu trúc trong đó có một nhóm doanh nghiệp độc quyền chiếm lĩnh thị trường, do đó rất khó để một doanh nghiệp mới nổi gia nhập. Tại cấu trúc thị trường này, các doanh nghiệp độc quyền sẽ quy định giá bán.
Có các loại thị trường nào?
Các thị trường có các cách phân loại như sau, theo:
Hình thái vật chất của đối tượng trao đổi:
- Thị trường hàng hóa: hàng hóa hữu hình là đối tượng trao đổi chính. Thị trường này có nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh nên dễ xảy ra cạnh tranh gay gắt. Ví dụ: hàng tiêu dùng, thực phẩm, quần áo, nguyên vật liệu,…
- Thị trường dịch vụ: hàng hóa vô hình là đối tượng trao đổi chính. Thỏa mãn nhu cầu phi vật chất như giáo dục, vui chơi, thư giãn. Ví dụ: dịch vụ spa, khám sức khỏe,…
Mối quan hệ cung cầu trên thị trường:
- Thị trường thực tế: bao gồm nhóm khách hàng đã và đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển và duy trì sự trung thành của nhóm này với thương hiệu.
- Thị trường tiềm năng: gồm các nhóm người có khả năng sẽ sử dụng sản phẩm, nhưng chưa phải là khách hàng. Nhóm này được kỳ vọng là sẽ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Thị trường lý thuyết: bao gồm tất cả các nhóm ở cả 2 thị trường thực tế và tiềm năng. Ở thị trường này, doanh nghiệp cần định hướng rõ thị trường tiềm năng của doanh nghiệp, sản phẩm.
Tính chất của hàng hoá:
- Thị trường hàng hóa cao cấp: tập trung vào sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Đối với thị trường này, khi mọi người tăng thu nhập, họ sẽ phát sinh nhu cầu mua hàng. Ví dụ: xe oto, nhà đất, túi xách hàng hiệu,…
- Thị trường hàng hóa tiêu dùng: chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của đại đa số người tiêu dùng. Ví dụ: thịt, cá, sữa, bánh, khăn giấy, sữa tắm,…
Góc độ lưu thông của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ:
- Thị trường trong nước (nội địa): diễn ra các cuộc giao dịch, lưu thông hàng hóa trong lãnh thổ đất nước.
- Thị trường nước ngoài: diễn ra các cuộc giao dịch, lưu thông hàng hóa, hợp tác với các quốc gia nằm ngoài phạm vi lãnh thổ.
Các yếu tố kinh tế của đối tượng trao đổi:
- Thị trường yếu tố sản xuất: gồm các yếu tố can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ. Là thị trường diễn ra giao dịch cung – cầu sức lao động và vốn.
- Thị trường hàng hóa tiêu dùng: là thị trường diễn ra hoạt động mua – bán sản phẩm, dịch vụ thô hoặc sơ cấp. Ví dụ: gạo, bánh, kẹo, xăng, dầu, kim loại,…
Vào tính chất của thị trường:
- Thị trường độc quyền: chỉ gồm 1 người sản xuất và có nhiều người mua. Trong đó, người bán (sản xuất) có thể kiểm soát thị trường, giá bán.
- Thị trường cạnh tranh: thị trường trong đó các doanh nghiệp có các sản phẩm tương tự nhau và cạnh tranh nhau. Trong thị trường này không có bất kỳ doanh nghiệp nào chiếm ưu thế độc quyền.
- Thị trường hỗn hợp: bao gồm thị trường độc quyền và cạnh tranh.
Tìm hiểu về nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường là một quá trình tìm hiểu các thông tin trong thị trường như khách hàng, đối thủ, ngành nhằm tối ưu sản phẩm cũng như tiếp cận đến khách hàng một cách hiệu quả.
Vai trò của nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp:
- Hiểu rõ về các thành phần cấu thành thị trường, như đặc điểm khách hàng, phân tích đối thủ, tìm điểm tương quan giữa khách hàng và sản phẩm;
- Hạn chế rủi ro, giúp nhà quản trị định hướng kinh doanh một cách đúng đắn;
- Tối ưu sản phẩm giải quyết nhu cầu khách hàng và mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp;
- Phát triển hướng đi tiếp theo cho sản phẩm, tổ chức cũng như hoàn thiện các chiến lược phát triển sản phẩm, định giá, marketing cho phù hợp.
Quy trình nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường trong kinh doanh có các bước chính như sau:
- Xác định bối cảnh, tình hình doanh nghiệp;
- Xác định mục tiêu, mục đích nghiên cứu (áp dụng quy tắc 5W1H);
- Chọn phương pháp, mô hình nghiên cứu thị trường (gửi email phỏng vấn, khảo sát người dùng, khách hàng, cho thử nghiệm sản phẩm mới, phân tích hành vi khách hàng, tìm kiếm dữ liệu,…);
- Thiết kế và chuẩn bị công cụ hỗ trợ nghiên cứu (khảo sát cần bảng khảo sát, tìm kiếm cần keyword,…);
- Tổng hợp dữ liệu;
- Trình bày dữ liệu (trực quan, đầy đủ, minh bạch);
- Phân tích và đánh giá dữ liệu (có thể dùng các công cụ, phần mềm hỗ trợ);
- Đề xuất hướng đi tiếp theo dựa trên dữ liệu đã tổng hợp.
Một số thuật ngữ liên quan về thị trường
Thuật ngữ
Ý nghĩa
Market Research – Nghiên cứu thị trường
Quá trình tìm kiếm, thu thập, tổng hợp thông tin cần thiết để hiểu về thị trường.
Market Analysis – Phân tích thị trường
Đánh giá sâu sắc các yếu tố trên thị trường.
Market Demand – Nhu cầu thị trường
Phân loại và số lượng hàng hóa/dịch vụ mà khách hàng muốn mua trong khoảng thời gian nhất định.
Target Market – Thị trường mục tiêu
Nơi hội tụ phân khúc người tiêu dùng mà doanh nghiệp cần để phát triển kinh doanh.
Market Cap (Capitalisation) – Vốn hóa thị trường
Mô tả về quy mô công ty, giá trị thị trường của doanh nghiệp.
Exchanges – Trao đổi
Là hoạt động mua bán/giao dịch hàng hóa thông qua thị trường.
Product – Sản phẩm
Là hàng hóa, dịch vụ bán ra cho người tiêu dùng.
Tạm kết về thị trường là gì
Thị trường là một thuật ngữ quan trọng đối với quản trị doanh nghiệp cũng như Marketing. Qua quá trình nghiên cứu và phân tích thị trường, các doanh nghiệp có thể phần nào hiểu được ngành, đối thủ, khách hàng để xác định hướng đi và cơ hội. Mong là qua bài viết trên, bạn đã hình dung rõ hơn về thị trường là gì để củng cố kiến thức kinh tế cho bản thân mình.
Xem thêm:
- Top 5 ứng dụng quản lý task dành cho dân học Kinh tế – Marketing
- Marketing Online là gì? Làm sao để xây dựng chiến lược Marketing Online phù hợp với doanh nghiệp?
Nếu bạn cần một thiết bị làm việc và giải trí tối ưu, hãy tham khảo các mẫu điện thoại và laptop tại FPT Shop. Sản phẩm đa dạng cùng giá bán phải chăng, nhiều ưu đãi hấp dẫn sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm mua hàng hài lòng.
Xem thêm laptop bán chạy tại đây:
- Laptop giá tốt