Giới thiệu tổng quan Thị xã Thái Hòa

Thị xã thái hòa

1, Một số thông tin cơ bản:

Thị xã Thái Hòa công bố thành lập từ ngày 10/5/2008 theo Nghị định 164/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007 của Chính phủ; nằm ở vị trí phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, phía Đông giáp 2 huyện Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn; phía Tây, Nam và Bắc giáp huyện Nghĩa Đàn. Tổng diện tích 13.484,3 ha đất tự nhiên, dân số 65.021 người.

Thái Hòa nằm cách Quốc lộ 1A theo hướng Đông 33km, cách thành phố Vinh 90 km về phía Nam. Có Quốc lộ 48 là trục chính đi qua theo hướng đông tây, phía Bắc có Quốc lộ 15A, phía Nam có tỉnh lộ 545 đi Tân Kỳ, phía Đông có đường Hồ Chí Minh đi qua.

Thái Hoà là thị xã miền núi có địa hình khá phức tạp, có hướng dốc tự nhiên về phía Đông Nam, cơ bản là đồi núi thấp, độ cao trung bình từ +40m đến +70m so với mực nước biển, sông Hiếu chảy cắt ngang từ Bắc sang Nam với chiều dài khoảng 6,5Km chia cắt thị xã thành 2 vùng Đông sông Hiếu và Tây sông Hiếu.

1. Tiềm năng, thế mạnh về thu hút đầu tư

– Thị xã nằm ở vị trí địa lý quan trọng, được xác định là trung tâm trong Quy hoạch chung vùng Phủ Quỳ và vùng trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội của miền tây Nghệ An;

– Thị xã có các trục chính giao thông kết nối thuận lợi với các địa phương trong và ngoài tỉnh (đường Hồ Chí Minh, Quốc Lộ 48, 48E, 48D, 15A, tuyến đường Thái Hòa – Hoàng Mai…

Thị xã có nguồn nhân lực dồi dào, dân trí khá cao.

2. Tính hình kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015

Những năm vừa qua, trong điều kiện còn gặp một số khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng bộ Thị xã, sự đồng thuận của hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp nên Thị xã Thái Hòa đã đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt.

Kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, trong điều kiện khó khăn chung nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất vẫn đạt khá cao ( hàng năm đạt trung bình 7,3% theo cách tính mới), thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực đúng hướng.

Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng và chung sức xây dựng, đến hết năm 2015 thị xã được công nhận là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới.

Công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Các dịch vụ vận tải, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông phát triển mạnh. Hoạt động tín dụng, ngân hàng phát triển nhanh,năm 2010 có 7 tổ chức tín dụng, hiện nay đã có 12 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn.

Thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng khá. Năm 2015, thu ngân sách đạt 107.000 triệu đồng, 6 tháng năm 2016 đạt 54.233 triệu đồng bằng 45,3% kế hoạch Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư được quan tâm, đạt một số kết quả bước đầu quan trọng. Trên địa bàn, có 234 doanh nghiệp, 08 hợp tác xã đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào tổng thu ngân sách của Thị xã.

Xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang dần hình thành, bao gồm: giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, công viên, cây xanh,…; hệ thống điện chiếu sáng đã bao phủ hầu hết các tuyến đường chính khu vực nội thị; trên 90% các tuyến đường giao thông trong khu dân cư được bê tông hóa.

Văn hóa – xã hội, khoa học – công nghệ, bảo vệ môi trường được chăm lo và có những chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiến bộ rõ nét; Đến nay có 29/32 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 90,6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ năm 2010 ở mức 6,9%, đến năm 2015 giảm còn 2,49%. (xếp thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ giảm nghèo).(tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 3,54)

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh đô thị, an ninh nông thôn và an ninh tôn giáo ổn định; không có điểm nóng, đột xuất, bất ngờ xẩy ra.

3. Tình hình kinh tế-xã hội năm 2016.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,75%. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,29%, công nghiệp – xây dựng tăng 9,1%, dịch vụ tăng 6,85%.

Thị xã đã được tỉnh cho phép đầu tư các dự án: khu thực nghiệm và vườn ươm công nghệ cao tại xã Đông Hiếu, trung tâm dịch vụ việc làm của sở Lao động tại phường Long Sơn, khu dịch vụ thương mại tổng hợp tại phường Long Sơn, khách sạn ở phường Quang Tiến,… Kết quả nổi bật nữa là đã thu hút được nhà đầu tư Hàn Quốc khởi công xây dựng nhà máy may tại Khu công nghiệp nhỏ Nghĩa Mỹ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư khu dịch vụ thương mại tổng hợp ở đường N6 và khu vực phía nam bệnh viện Tây Bắc mới. Một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đang khảo sát, xúc tiên đầu tư xây dựng khách sạn, nhà máy xử lý rác thải,…

Xem thêm:  Xem bóng đá trực tuyến tại Vebotv-ttbd.lat - Lựa chọn số 1

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giao dục đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

4. Định hướng phát triển của thị xã đến năm 2020

– Về lĩnh vực dịch vụ

Xác định dịch vụ là lĩnh vực ưu tiên phát triển, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội Thị xã; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,5%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn đạt 2,8 – 3,0 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Chú trọng phát triển ngành thương mại, tín dụng ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ.

– Phát triển dịch vụ thương mại: Bố trí các công trình thương mại, dịch vụ dọc quốc lộ 48, đường N6, đường Trục chính, tâm điểm là khu vực ngã 5 phường Hoà Hiếu và phường Long Sơn bao gồm: khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị,…; nâng cấp, cải tạo Chợ Hiếu. Xây dựng khu thương mại – dịch vụ, tài chính – ngân hàng, dịch vụ tổng hợp và dịch vụ văn phòng cho thuê tại khu vực Đồng Lầy – Gốc Gạo. Tập trung xây dựng 02 khu phức hợp dịch vụ thương mại (tại vị trí Nhà máy dầu thực vật, xã Tây Hiếu và vị trí quy hoạch tại phường Long Sơn).

– Phát triển hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng: Tiếp tục thu hút các ngân hàng, tổ chức tín dụng mở chi nhánh, trụ sở giao dịch trên địa bàn. Tiếp tục duy trì và phát triển các quỹ tín dụng nhân dân. Đến năm 2020 có khoảng 15 – 20 tổ chức tín dụng, ngân hàng và các công ty tài chính hoạt động trên địa bàn; tổng vốn huy động khoảng 3500 – 4000 tỷ đồng. Xây dựng khu vực cho thuê đặt các phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng gắn với các khu trung tâm dịch vụ thương mại, nhà ở cao tầng.

– Bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch. Trọng tâm là xây dựng Khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc, Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, Khu lâm viên Bàu Sen. Hình thành các tuyến giao thông liên kết với các di tích trên địa bàn và vùng Phủ Quỳ, từ đó phát triển các khu du lịch về văn hóa tín ngưỡng, truyền thống, sinh thái nghỉ dưỡng và các địa điểm du lịch gắn với các trung tâm dịch vụ thương mại. Phát triển các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống có chất lượng cao như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng,…

– Về lĩnh vực công nghiệp

Ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến (cà phê, cao su, dầu thực vật, thức ăn gia súc), công nghiệp chế tạo công cụ và sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới, may mặc xuất khẩu. Hoàn chỉnh quy hoạch Khu Công nghiệp Phủ Quỳ, đầu tư hạ tầng cho các Cụm Công Nghiệp Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận và Tây Hiếu.

Về lĩnh vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản

Phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao (trồng cỏ, cây thức ăn cho chăn nuôi bò, bò sữa; trồng: rau, củ, quả, hoa, cây ăn quả, cây cà phê, cao su và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao khác).

5. Một số nhiệm vụ trọng tâm về thu hút đầu tư trong thời gian tới.

– Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là các lĩnh vực … theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả cơ chế giao dịch một cửa.

– Tăng cường công tác quảng cáo, giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh của thị xã; Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Tăng cường phối hợp trong vận động, xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn (các nhà đầu tư lớn) tham gia đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong quy hoạch; khuyến khích sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp.

– Tưng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Làm tốt công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

– Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề góp phần hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương và vùng;

– Khuyến khích các doanh nghiệp, tiến hành đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu riêng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, trong quản lý hành chính và trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công việc hằng ngày của các ngành, các cấp.

– Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đâu tư.