Tại Trường THCS Nguyễn Du, phường Mỏ Chè, TP Sông Công trong ngày 13/4, nhà trường đã ghi nhận 5 ca mắc COVID-19. Đa số các em học sinh mắc đều có triệu chứng sốt, mệt mỏi…Để ngăn chặn dịch lây lan, nhà trường đã phối hợp với Trạm y tế phường Mỏ Chè phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường học, lớp học; đồng thời, yêu cầu 100% học sinh và giáo viên đeo khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn tay để tránh lây lan dịch bệnh.
Ông Dương Văn Huy, Quyền Trạm trưởng Trạm y tế phường Mỏ Chè, TP Sông Công cho hay: “Trước mắt, cho 5 em học sinh cách ly tại nhà, tiếp tục theo dõi F1 liên quan, phân công giáo viên chủ nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ F1 ngồi gần nếu có hiện tượng sốt, ho, khó thở, có triệu chứng nghi ngờ thì sẽ kiểm tra”.
Tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, 2 tuần trở lại đây đã ghi nhận đến 24 trường hợp đến khám và điều trị do mắc COVID-19.
Không chỉ ghi nhận các ca COVID-19 trong trường học mà tại các cơ sở y tế trong những ngày gần đây bệnh nhân mắc COVID-19 đến khám và điều trị cũng gia tăng… Tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nếu như số ca mắc COVID-19 trong 3 tháng đầu năm đến điều trị rất ít, thì 2 tuần trở lại đây đã ghi nhận đến 24 trường hợp đến khám và điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Hiện có 2 bệnh nhân nặng cần phải can thiệp về hô hấp, phải thở HFLC, 6 ca mức độ trung bình. Từ đầu tháng đến nay, ngày nhiều nhất chúng tôi ghi nhận 6 bệnh nhân, trong đó có 5 người lớn và 1 trẻ em”.
Còn tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên, khi thời tiết chuyển mùa trong những tuần gần đây thì cũng là thời điểm bệnh nhân có triệu chứng về đường hô hấp đến khám và sàng lọc COVID-19 tăng lên. Hiện bệnh viện đang có 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đang phải điều trị, trong đó có ca nhập viện trong tình trạng nặng.
Bác sỹ Nông Thị Liên, Khoa Nội 2, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên cho hay: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt liên tục, mệt mỏi và khó thở thường xuyên, không ăn uống được; sau đó, nằm li bì không đi lại được. Sau 3 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân đã khá hơn nhiều, đỡ khó thở”.
Thời tiết chuyển mùa như hiện nay tại miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có cả virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Y tế có thể còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh.
Chị Vương Thị Minh Huệ, tổ 6, phường Mỏ Chè, TP Sông Công chia sẻ: “Sau giai đoạn dịch diễn biến phức tạp đa phần đã hình thành thói quen đeo khẩu trang, tuy nhiên vẫn còn một số người cảm thấy đeo khẩu trang là khó chịu”.
Ông Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên thông tin: “UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo đối với ngành Y tế, chính quyền địa phương 9 huyện, thành phố cũng như tại cơ sở về việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản theo chỉ đạo chung của toàn quốc. Ngành Y tế đã chỉ đạo tăng cường xét nghiệm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Ngay trong cuối tuần này, tại hội nghị giao ban ngành Y tế sẽ quán triệt việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, phát hiện, xét nghiệm sớm tại cộng đồng từ tuyến y tế cơ sở đó là trạm y tế xã, phường và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ xin ý kiến chỉ đạo để phân bổ các vật tư, trang phục phòng, chống dịch để đáp ứng công tác xét nghiệm sớm tại cơ sở”.
Để ngăn chặn dịch COVID-19 tái bùng phát, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để tránh lây lan dịch. Nên tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch phòng bệnh, đặc biệt là những người tuổi cao, có bệnh nền nguy cơ trở nặng cao rất cần tiêm mũi tăng cường./.