Triết học là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ. Triết học được phân biệt với những môn khoa học khác bằng cách thức mà nó giải quyết những vấn đề trên, đó là ở tính phê phán, phương pháp tiếp cận có hệ thống chung nhất và sự phụ thuộc của nó vào tính duy lý trong việc lập luận.
Trong tiếng Anh, từ “philosophy” (triết học) xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại φιλοσοφία (philosophia), có nghĩa là “tình yêu đối với sự thông thái”. Sự ra đời của các thuật ngữ “triết học” và “triết gia” được gắn với nhà tư tưởng Hy Lạp Pythagoras. Một “nhà triết học” được hiểu theo nghĩa tương phản với một “kẻ ngụy biện” (σοφιστής). Những “kẻ ngụy biện” hay “những người nghĩ mình thông thái” có một vị trí quan trọng trong Hy Lạp cổ điển, được coi như những nhà giáo, thường đi khắp nơi thuyết giảng về triết lý, nghệ thuật hùng biện và các bộ môn khác cho những người có tiền, trong khi các “triết gia” là “những người yêu thích sự thông thái” và do đó không sử dụng sự thông thái của mình với mục đích chính là kiếm tiền.
Những phẩm chất cần có của một nhà triết học:
– Phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng.
– Nhiệt tình, mong muốn truyền bá kiến thức, sự hiểu biết tới mọi người.
– Tư duy trừu tượng tốt, nắm chắc các kiến thức triết học và có phông kiến thức cơ bản của các khoa học.
– Khả năng truyền đạt lưu loát và dễ hiểu những vấn đề lí luận trừu tượng và kiến thức bao quát.
– Say mê tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu của Triết học;
– Kiên trì, vượt khó, làm việc bền bỉ;
– Cẩn thận, nghiêm túc trong công việc;
– Tư duy hệ thống, có năng lực về lí luận, trừu tượng hoá, khái quát hoá tốt. Có khả năng phát hiện vấn đề lí luận.