Huyện Văn Lãng: Tạo dấu ấn đậm nét trong thu hút đầu tư

Văn lãng

Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 30 km theo QL 4A, Văn Lãng là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại – dịch vụ; nông – lâm nghiệp… và luôn có sức hấp dẫn riêng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

vbf 2021510102435c28

Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện Văn Lãng đặt mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất, tập trung thu hút các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng trọng tâm là hạ tầng kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp nông thôn. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch, các sản phẩm của địa phương, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch… hướng tới xây dựng Văn Lãng trở thành huyện biên giới phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UNBD tỉnh, ngay từ đầu năm huyện Văn Lãng đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, các quyết định và kế hoạch để làm cơ sở cho các cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch năm 2021. Vì vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, huyện Văn Lãng vẫn đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021 tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện duy trì đạt mức bình quân chung của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 32,57% dự toán tỉnh giao, cao hơn so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 780 triệu USD. Công tác phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện kịp thời, kết quả giải ngân thanh toán đạt trên 30,59% so với kế hoạch vốn giao. Huyện cũng tích cực đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu…

vbf 2021510102451i41

Công tác kêu gọi thu hút đầu tư tiếp tục có dấu ấn nổi bật. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến với Văn Lãng khảo sát, đầu tư phát triển nhiều loại hình dịch vụ như: kho hàng, bến bãi, dịch vụ du lịch, khu dân cư, ngân hàng – tín dụng, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu,…góp phần tăng thu cho ngân sách và tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc được khảo sát, lập quy hoạch xây dựng và nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Khu du lịch xứ Lạng Thủy Vân Sơn” và dự án “Cải tạo tuyến đường giao thông kết hợp xây dựng khu dân cư, nhà ở liền kề, biệt thự để bán, khu du lịch thương mại” tại các xã Bắc La, Bắc Việt, Tân Tác – là những vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn của Văn Lãng. Các dự án trên nếu được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác của huyện phát triển, gắn với khai thác tiềm năng thế mạnh của khu vực và đóng góp to lớn trong việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nói riêng cũng như của tỉnh nói chung.

Ngoài ra, một số dự án của các nhà đầu tư như: Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Rồng Việt (dự án đầu tư Khu đô thị Tân Thanh, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (đầu tư dự án Khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung), Công ty cổ phần Đầu tư Homever (dự án Khu đô thị phía Nam thị trấn Na Sầm) đang tích cực triển khai các thủ tục xin chủ trương, triển khai đầu tư trong thời gian tới hứa hẹn tiếp tục là những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Chia sẻ về định hướng thu hút đầu tư, ông Lê Tuấn Minh cho biết: “Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, nguồn nhân lực dồi dào, Văn Lãng tập trung thu hút, phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và kinh tế cửa khẩu”.

Xem thêm:  Sẽ gầy là gì? Ý nghĩa và tầm quan trọng của đồng giới tính

Cụ thể, đối với ngành nông, lâm nghiệp, huyện tập trung thu hút, phát triển theo hướng khai thác thế mạnh kinh tế đồi rừng tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung về cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày có thế mạnh như: hoa hồi, quýt, thạch đen… Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung, trong đó tập trung phát triển đàn bò, khôi phục sản xuất đối với chăn nuôi lợn; sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản… Huyện cũng đề ra mục tiêu quy hoạch vùng Hồng Vành Khuyên tại các xã Tân Mỹ, Tân Thanh, Hoàng Việt,…

Theo kết quả đánh giá chỉ số DDCI của tỉnh Lạng Sơn năm 2020, huyện Văn Lãng xếp vị trí thứ 6/11 huyện, thành phố với số điểm đạt được là 68,39 điểm (tăng 13,73 điểm so với năm 2019). Năm 2021, huyện Văn Lãng đặt mục tiêu phấn đấu xếp vị trí thứ 4 trong khối địa phương và để làm được điều này, huyện đề ra một số giải pháp chủ yếu nâng cao thứ hạng DDCI như: tiếp tục củng cố và nâng cao 4 chỉ số xếp hạng bằng và trên trung vị (Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý; Vai trò người đứng đầu); Tăng tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai; Giảm chi phí thời gian; Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng… ông Lê Tuấn Minh cho biết.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện ưu tiên quan tâm đến các dự án thiết thực, thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự và những dự án công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp cùng phát triển như: Khai thác quặng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng hóa phục vụ xuất khẩu… Đặc biệt, thương mại và kinh tế cửa khẩu được xác định là một trong những mũi nhọn của Văn Lãng. Hiện nay, cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế cửa khẩu của Trung ương, của tỉnh, Văn Lãng đã ban hành và vận dụng linh hoạt nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế quan trọng nhằm khai thác tốt thế mạnh này.

Trong thời gian tới, huyện Văn Lãng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đơn vị nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và kết nối cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật và nhà xưởng thuộc Khu phi thuế quan và thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các đề án phát triển thương mại, du lịch kết nối với các danh thắng phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.

Ông Lê Tuấn Minh nhấn mạnh: “Để thu hút các nhà đầu tư, bên cạnh tiềm năng, lợi thế thì mỗi địa phương phải tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”. Vì vậy, Văn Lãng chú trọng thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng; tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, cải thiện chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền theo hướng hiệu quả, thân thiện; kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,… làm cho Văn Lãng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguồn: Vietnam Business Forum